Cổ phiếu bật tăng 4 lần, điều gì đã “kích nổ” TNT?

Cổ phiếu bật tăng 4 lần, điều gì đã “kích nổ” TNT?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lẹt đẹt ở vùng giá 2.000 đồng/cổ phiếu suốt 3 năm qua, cổ phiếu TNT của CTCP Tập đoàn TNT (tên gọi cũ CTCP Tài Nguyên, mã TNT - sàn HOSE) bất ngờ bật tăng mạnh kể từ đầu năm 2021 và hiện áp sát mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Điều gì đã “kích nổ” TNT?

Chuyện của những “người cũ”

Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu TNT cho thấy, cổ phiếu này rục rịch đi lên ngay khi bước sang năm 2021 và bật tăng mạnh từ đầu tháng 3/2021, đến nay đạt mức 7.730 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 4/6/2021), tức tăng hơn 4 lần trong 6 tháng qua, thậm chí có thời điểm cổ phiếu này đã tăng lên mức 9.000 đồng/cổ phiếu (vào ngày 14/4/2021).

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2020, TNT đạt doanh thu 12,8 tỷ đồng, giảm gần 93% so với thực hiện năm 2019 và ghi nhận lỗ ròng 2,66 tỷ đồng (năm 2020 lãi 2,94 tỷ đồng). Đây là kết quả kém nhất kể từ năm 2010, thời điểm TNT ngụp lặn với khó khăn chung của nền kinh tế cùng tranh chấp với khách hàng xung quanh dự án Chung cư Nhân Chính. Trong bản giải trình, Ban lãnh đạo TNT cho biết tác động từ dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm cho doanh thu năm 2020 giảm. Đồng thời, TNT không còn ghi nhận doanh thu từ CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Tài Nguyên do công ty này không còn là công ty con của TNT.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ảm đạm, việc cổ phiếu TNT bất ngờ đi lên được cho là xuất phát từ giao dịch của cổ đông lớn cũng như lãnh đạo chủ chốt Công ty. Cụ thể, ngày 22/2/2021, ông Nguyễn Bá Huấn, Phó tổng giám đốc TNT đã mua vào 1,289 triệu cổ phiếu, qua đó nâng sở hữu lên 1,299 triệu cổ phiếu TNT, tương đương 5,09% vốn điều lệ Công ty và trở thành cổ đông lớn của TNT. Sau đó, một phó tổng giám đốc khác là ông Vũ Tuấn Hoàng cũng đăng ký mua gần 200.000 cổ phiếu, nhưng không thành công.

Vào ngày 23/3/2021, ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT Công ty, đã bán thành công gần 1,225 triệu cổ phiếu TNT (sau khi bán bất thành lượng cổ phiếu này trong tháng 11/2020). Tuy nhiên, chưa đầy nửa tháng sau, ông Long mua vào 1,5 triệu cổ phiếu TNT để trở lại thành cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ hơn 5,9% (trước thời điểm mua vào, ông Long còn nắm giữ 20 cổ phiếu).

Tới ngày 2/6/2021, CTCP Tập đoàn Mường Phăng cũng mua thành công 1,5 triệu cổ phiếu TNT, qua đó nắm giữ 5,9% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của Công ty.

Trên thị trường, Tập đoàn Mường Phăng không phải cái tên xa lạ khi gắn với thương vụ thâu tóm “chóng vánh” MBLand vào năm 2018, nhà phát triển nhiều dự án tại Hà Nội như MB Grand Tower Lê Văn Lương, Golden Field Mỹ Đình, 63 Lê Văn Lương, hay tại Quảng Nam, Tây Ninh như dự án Vanesea Field, Infinity Field (T18), Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Thung Lũng Xanh… Ngoài ra, ông Nguyễn Gia Long và em trai là ông Nguyễn Gia Khoa đều là lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Mường Phăng và sở hữu cổ phần chi phối bên cạnh một cổ đông khác là ông Nguyễn Bá Huấn.

Thời điểm đó, thương vụ thâu tóm MBLand của Tập đoàn Mường Phăng gây chú ý khi cả 4 nhà đầu tư (2 nhà đầu tư cá nhân, 2 nhà đầu tư tổ chức) tham gia đấu giá đều ít nhiều dẫn chiếu về TNT, sau đó 2 nhà đầu tư cá nhân này đã bỏ không tham gia đấu giá để “nhường” cho 2 tổ chức, trong khi mức giá đặt trọn lô giữa 2 pháp nhân này chỉ chênh nhau 200 triệu đồng và cao hơn mức giá khởi điểm trọn lô ban đầu hơn 200 triệu đồng. Chủ sở hữu mới của lô cổ phiếu này không ai khác là Tập đoàn Mường Phăng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhóm cổ đông lớn và lãnh đạo TNT thâu tóm MBLand để tạo cơ hội lợi cho doanh nghiệp này niêm yết “cửa sau”, bởi khi đó MBLand gặp vướng mắc về thủ tục lên sàn liên quan tới việc phân tách tài sản sau khi tách khỏi MBBank. Tuy nhiên, từ đó đến nay, câu chuyện này nguội dần, đồng thời ông Long và một số cá nhân khác cũng rút dần khỏi các hoạt động chính của TNT (cho dù vẫn nắm cổ phiếu).

Chiến lược kinh doanh mới

Trở lại với TNT hiện tại, với việc mua vào lượng lớn cổ phiếu, ông Long và người liên quan đã nâng sở hữu tại TNT lên hơn 16%. Cùng với việc nâng tỷ lệ sở hữu, Ban lãnh đạo TNT cũng đưa ra chiến lược kinh doanh mới.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Long cho biết, sau khi đổi tên thành CTCP Tập đoàn TNT (TNT Group), Công ty sẽ chuyển sang mô hình Holdings với định hướng tập trung vào hoạt động M&A các dự án bất động sản có khả năng mang lại lợi nhuận cao và trong quý III/2021, TNT sẽ đẩy mạnh việc mua bán, chuyển nhượng một số dự án để có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ngay trong năm nay.

Về kế hoạch sáp nhập MBLand vào TNT, dù không trực tiếp đề cập, nhưng ông Long cho hay, MBLand và TNT sẽ là 2 mảnh ghép chiến lược trong hệ sinh thái mà Tập đoàn Mường Phăng đang xây dựng và phát triển.

Liên quan tới kế hoạch kinh doanh năm 2021, ông Long cho biết, TNT đặt mục tiêu doanh thu đạt 200 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với thực hiện năm 2020 và lợi nhuận sau thuế là 16 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2021, TNT ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 109,5 tỷ đồng, tăng gần 17 lần so với cùng kỳ 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 7,34 tỷ đồng.

Theo ông Long, việc kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý đầu năm đã tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu TNT và nếu hoạt động kinh doanh quý II/2021 tiếp tục ổn định, Công ty có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm ngay trong nửa đầu năm, hoặc muộn nhất là trong quý III tới.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, từ năm 2018, sau khi những tranh chấp liên quan tới dự án Chung cư Nhân Chính được giải quyết, cơ cấu tài chính của TNT đã ổn định hơn. Tính đến cuối quý I/2021, tổng nợ phải trả của TNT chỉ ở mức 133,43 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả người bán với hoạt động kinh doanh nguyên vật liệu của Công ty mẹ và gần như không có vay nợ thuê tài chính.

Tuy vậy, nguy cơ mất cân đối thanh toán cũng hiện hữu khi cơ cấu tài sản của TNT chủ yếu là các khoản phải thu ngắn và dài hạn. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/3/2021, tổng tài sản ngắn hạn của TNT đạt 288,8 tỷ đồng, nhưng các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 88%, tương ứng 254,38 tỷ đồng. Tương tự, trong 120 tỷ đồng giá trị tổng tài sản dài hạn thì phải thu dài hạn chiếm tới 119 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là khoản phải thu 118,19 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên.

Đây là khoản phải thu liên quan đến việc thoái vốn của hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án Khu nhà ở Tân Thanh theo biên bản thanh lý hợp đồng ngày 2/12/2019, nhưng tới nay vẫn chưa được thanh toán. Đầu tư từ năm 2018, nhưng dự án liên tục gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ngoài ra, TNT cũng đang vướng mắc trong việc thu hồi công nợ hơn 18,3 tỷ đồng với công ty này liên quan tới dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm, tỉnh Điện Biên.

Được biết, các khoản phải thu kể trên chủ yếu liên quan đến các khoản tạm ứng cho các cá nhân chi cho việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng ở một số dự án đang triển khai như dự án Tổ hợp thương mại - tài chính - dịch vụ và nhà ở Thiên Lộc (xã Thiên Lộc, Cam Lộc, Hà Tĩnh), Tổ hợp khách sạn - resort cao cấp tại Lô D11, khu 1 thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa)…

Tin bài liên quan