Năm của cổ đất
Công ty cổ phần Phục Hưng Holdings chia sẻ, trong những tháng cuối năm 2021, Công ty liên tục nhận được các gói thầu và dự án lớn, với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Giá trị các hợp đồng xây dựng của Phục Hưng trong giai đoạn 2022 - 2024 đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng, với nhiều dự án lớn như HH2 Gamuda, Meyhomes Phú Quốc, Imperia Smart City, Mỹ Đình Pearl 2...
Thông tin này cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang tích cực khởi công dự án trở lại sau giai đoạn dài trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chia sẻ của ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ CEN LAND (mã CRE) cũng phần nào cho thấy bức tranh sôi động của thị trường bất động sản trong năm 2022.
Theo đó, CRE sẽ có nhiều dự án để phân phối khi hợp tác cùng các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Flamingo…
“Khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán, CRE kết hợp với 3 - 4 đối tác có quỹ đất lên tới cả nghìn ha để phát triển, phân phối các dự án”, ông Vũ nói.
Cổ phiếu bất động sản vẫn rất tiềm năng là nhận định chung của nhiều chuyên gia chứng khoán và nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, dù nhóm này vừa trải qua cú sốc lớn.
Thực tế, kỳ vọng vào cơn sóng lớn trên thị trường bất động sản đã giúp nhiều cổ phiếu trong ngành này ghi nhận mức tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là sau khi diễn ra thương vụ đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm, với mức giá trúng không tưởng 2,4 tỷ đồng/m2. Hàng loạt cổ phiếu như CEO, DIG, L14, FLC… đã tăng giá bằng lần, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
Tuy vậy, sau thời gian tăng nóng, nhóm cổ phiếu bất động sản đã đồng loạt điều chỉnh mạnh trước thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm và ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu FLC khi chưa đăng ký. Hàng loạt cổ phiếu địa ốc đã rơi mất 40 - 50% từ mức giá đỉnh như TCH, FLC, CEO, DIG…
Tuy vậy, việc nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng trần liên tiếp trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại sau cú sụp bất ngờ của nhóm cổ phiếu bất động sản cũng như thị trường chung.
Nhiều quan điểm cho rằng, với đặc tính nhiều năm mới có một lần tạo sóng, cổ phiếu địa ốc sẽ còn duy trì đà tăng trong năm 2022 và tiếp tục là nhóm dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, 2022 cũng sẽ là năm có sự phân hóa lớn trong nhóm ngành này.
Thời của các cổ phiếu cơ bản
Chị Minh Thu, một nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường chứng khoán nêu quan điểm, năm 2022, nhóm cổ phiếu bất động sản “sẽ viết nên một câu chuyện mới”.
Nếu như 2021 là năm tăng mạnh của các cổ phiếu bất động sản nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, có nhà tạo lập, có thông tin về quỹ đất thì 2022 sẽ là năm của các cổ phiếu địa ốc có vốn hóa lớn nhưng chưa tăng giá nhiều.
Lấy ví dụ về điều này, chị Thu cho biết, VHM có quỹ đất lớn, có nhiều dự án đang triển khai khắp cả nước, uy tín, lợi nhuận đều ổn, nhưng cổ phiếu vẫn chỉ loanh quanh vùng giá trên 80.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu mà nếu xét về nền tảng doanh nghiệp còn kém xa so với VHM, nhưng đang có thị giá tương đương, thậm chí cao hơn rất nhiều, như DIG, HDC, NHA, SJS. Cá biệt, L14 còn cao gấp vài lần, neo ở mức giá khoảng 440.000 đồng/cổ phiếu.
“Mức giá trên cho thấy nhiều cổ phiếu đã được đánh lên, vượt qua giá trị thật. Nhưng không có cổ phiếu nào tăng giá được mãi. Cổ phiếu doanh nghiệp cơ bản vẫn sẽ lên ngôi”, chị Thu nhấn mạnh.
Đánh giá về triển vọng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong năm 2022, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, những cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh thời gian qua phần lớn là nhờ thông tin có quỹ đất lớn, còn cổ phiếu lớn có hoạt động kinh doanh tốt và minh bạch như VHM, HDG thì chưa tăng nhiều.
Theo ông Nam, định giá hiện tại của cổ phiếu bất động sản hiện khá phân hóa, có cổ phiếu có P/E lên tới 40 lần, thậm chí 60 lần, nhưng có cổ phiếu P/E chỉ ở mức 7 - 8 lần. Do đó, cổ phiếu nào đã tăng giá mạnh sẽ nhường cho cổ phiếu chưa tăng nhiều. Đặc biệt, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có sức hút mạnh trong năm 2022,
Về hiệu ứng đầu tư công với nhóm cổ phiếu bất động sản, theo ông Nam, phần lớn thông tin về gói kích thích kinh tế hay đầu tư công đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh, nhất là nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản đã tăng mạnh từ tháng 6/2021.
Do đó, nếu có gói kích thích phù hợp thì cổ phiếu 2 nhóm này sẽ được hưởng lợi, nhưng để biết rõ hơn thì các nhà đầu tư nên chờ xem thực sự gói kích thích đi vào khu vực, lĩnh vực nào một cách chi tiết hơn.
Cũng trao đổi về câu chuyện của cổ phiếu địa ốc, chuyên gia phân tích một công ty chứng khoán cho biết, một số doanh nghiệp địa ốc trong vài năm qua đã miệt mài phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển dự án, nhưng việc siết lại tín dụng với lĩnh vực bất động sản cũng như các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, rất có thể các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém sẽ “lộ sáng”.
“Năm 2021, giá bất động sản hầu như đều tăng mạnh ở tất cả các phân khúc, cổ phiếu bất động sản cũng liên tục lập đỉnh mới, nhất là sau hiệu ứng từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Tuy nhiên, với việc nhà đầu tư bỏ cọc và hàng chục triệu cổ phiếu FLC dư bán sàn, thị trường diễn ra một đợt xả hàng quy mô lớn trong run sợ. Tất cả những điều này sẽ khiến các cổ phiếu tăng nóng phải điều chỉnh lại, cũng là cơ hội cho cổ phiếu có nền tảng tốt thể hiện mình”, vị chuyên gia nhấn mạnh.