Cổ phiếu bất động sản không dễ sớm bước vào giai đoạn tăng trưởng tích cực

Cổ phiếu bất động sản không dễ sớm bước vào giai đoạn tăng trưởng tích cực

(ĐTCK) Trên thế giới cũng như trong nước, các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán dần xuất hiện, giúp giảm rủi ro và hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục đưa ra các chính sách kích thích tiền tệ nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại của dịch Covid-19.

Không nằm ngoài xu hướng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành giảm 0,5% lãi suất cơ bản và nhiều ý kiến dự báo, Fed có thể sẽ giảm thêm lãi suất từ 0,5 - 0,75% trong cuộc họp ngày 18/3 tới.

Theo thống kê lịch sử, các đợt giảm lãi suất của Fed là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, trong đó các thị trường mới nổi có thể sẽ được hưởng lợi bởi động thái này.

Cũng theo kết quả thống kê, thị trường có diễn biến khản quan trong 1 tháng sau động thái giảm lãi suất của Fed, nên chúng tôi kỳ vọng, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ có sắc xanh trong tháng 3/2020.

Chỉ số Dow Jones nhiều lần kiểm định vùng hỗ trợ 25.300 - 25.750 điểm, nhưng duy trì xu hướng tăng ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trong phiên cuối tuần qua, đà bán tháo đã thu hẹp về cuối phiên.

Đồng thời, xu hướng phục hồi đang xuất hiện ở nhiều chỉ số chứng khoán châu Á, nhất là chỉ số Shanghai.

Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và Hàn Quốc có thể được xem là động lực cho các doanh nghiệp FDI dịch chuyển sang các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh như Việt Nam.

Một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu là ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, Microsoft, Google… Đây là điểm sáng cho Việt Nam.

Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, kể từ đầu tháng 2, với diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán toàn cầu và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào các kênh tài sản an toàn như vàng, trái phiếu, khối nhà đầu tư này liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá trị bán ròng của khối ngoại tính đến nay là 4.614 tỷ đồng, tập trung ở giao dịch khớp lệnh, trong đó Top 5 cổ phiếu bị bán ròng là SHB, MSN, VIC, NVL, HPG.

Điểm tích cực chúng tôi nhận thấy là các phiên giao dịch gần đây, khối ngoại đã có dấu hiệu quay trở lại mua ròng nhẹ, nếu loại trừ lượng giao dịch đột biến từ cổ phiếu SHB.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm dẫn dắt chính của thị trường trong tuần qua. Nổi bật là cổ phiếu SHB đã có nhiều phiên tăng giá liên tiếp và dẫn dắt đà tăng của chỉ số HNX-Index, chỉ số này đang tiến đến mức đỉnh năm 2018 và là chỉ số tăng tốt nhất trong Top 5 thị trường chứng khoán châu Á tính từ đầu năm 2020 đến nay.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng thu hút dòng tiền trong các phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là các mã vốn hóa trung bình và nhỏ.

Các biện pháp hỗ trợ và xử lý nhanh các thủ tục hồ sơ pháp lý cho các dự án bất động sản được xem là yếu tố hỗ trợ cho ngành này trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, tình hình thị trường bất động sản năm 2020 vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn cung suy yếu và ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Chúng tôi đánh giá, nhóm bất động sản không dễ sớm bước vào giai đoạn tăng trưởng tích cực, cho nên các nhà đầu tư cần thận trọng.

Trên bình diện chung toàn thị trường, khối ngoại có dấu hiệu giảm bán ròng, thanh khoản cải thiện và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt Fed tiếp tục có động thái giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế là những yếu tố làm giảm rủi ro trong ngắn hạn trên thị trường chứng khoán.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng, thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong tháng 3/2020.

Tin bài liên quan