Thị trường bất động sản khu công nghiệp có triển vọng phát triển dài hạn.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp có triển vọng phát triển dài hạn.

Cổ phiếu bất động sản công nghiệp có “sóng” mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động khu công nghiệp ở nhiều địa phương, nhưng chủ đầu tư ghi nhận lãi cao trong 6 tháng đầu năm 2021 và triển vọng phát triển còn lớn nên cổ phiếu của không ít doanh nghiệp ngành này thu hút dòng tiền.

“Sóng” cổ phiếu quay trở lại

Kết quả kinh doanh tích cực trong quý I cũng như quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã giúp nhóm cổ phiếu này có một số đợt “sóng” tăng giá. Gần đây, sau nhịp điều chỉnh cùng thị trường chung, không ít cổ phiếu tạo “sóng” trở lại, giá và thanh khoản gia tăng.

Mã KBC của Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc có giá tăng từ 35.900 đồng/cổ phiếu ngày 24/8 lên 41.850 đồng/cổ phiếu ngày 31/8, tương đương mức tăng 16,6%.

Trong cùng khoảng thời gian, tức 5 phiên giao dịch cuối tháng 8, giá cổ phiếu BCM của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP tăng 15,5%, giá cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - CTCP tăng 15,3%, giá cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu tăng 13,8%, giá cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức tăng 13,6%, giá cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tăng 12,4%, giá cổ phiếu IJC của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật tăng 11,2%...

Theo ông Trần Hiền Phương, Giám đốc cao cấp Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp không nằm trong nhóm dẫn dắt thị trường, nhưng thường xuyên thu hút dòng tiền kể từ đầu năm 2021 tới nay, nhất là sau các đợt điều chỉnh.

Ngay từ đầu năm, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã được kỳ vọng sẽ có một mùa kinh doanh bội thu.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cao cấp thị trường Việt Nam của Tập đoàn JLL nhận xét, trong những năm gần đây, thị trường bất động sản hậu cần và công nghiệp bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất tại Việt Nam như thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư.

2021 được nhận định là năm bội thu của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, với triển vọng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đến Việt Nam, trong khi quỹ đất giàu tiềm năng, giá cho thuê và chi phí nhân công hấp dẫn.

Tổng diện tích đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cho thuê tính đến quý II/2021 tại miền Bắc lần lượt là 9.700 ha và 1,9 triệu m2, miền Trung là 6.600 ha và 30.500 m2, miền Nam là 25.200 ha và 3,2 triệu m2.

Những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn có triển vọng tăng trưởng cao, điều này có thể nhìn thấy ở kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, KBC đạt 2.751 tỷ đồng doanh thu và 785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 3,78 lần và 7,8 lần cùng kỳ năm ngoái.

LHG lãi 556 tỷ đồng trong quý II/2021, gấp 2,6 lần cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 250 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2020 và vượt 55% kế hoạch cả năm 2021 (161 tỷ đồng lợi nhuận).

Công ty cổ phần Thống Nhất (BAX) đạt doanh thu 58 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng lần lượt 68% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, trong quý II/2021, BAX ghi nhận doanh thu tại Khu trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo và thu tiền lãi chậm trả phí sử dụng hạ tầng.

Thực tế, hoạt động cho thuê bất động sản công nghiệp của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận nửa đầu năm 2021 vẫn tăng cao, nhờ sự đóng góp của các mảng kinh doanh khác.

Chẳng hạn, IJC đạt 1.978 tỷ đồng doanh thu và 469 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2021, lần lượt tăng 28% và gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 là 622 tỷ đồng, IJC đã hoàn thành 75%, chủ yếu do doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản tăng.

Tổng công ty IDICO (IDC) đã chuyển nhượng toàn bộ Thuỷ điện Đak Mi cho Bitexco. Mới đây, IDC công bố sẽ thoái 30% vốn góp tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PEG).

Phó tổng giám đốc IDC Nguyễn Hồng Hải cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, IDC ghi nhận doanh thu 2.319 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 342 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,5% và 149% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản tiền 260 tỷ đồng từ việc bán Thuỷ điện Đak Mi đã giúp Công ty tăng trưởng đột biến về lợi nhuận trong kỳ.

Trên sàn chứng khoán, không ít cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tính đến cuối tháng 8 có mức giá tăng cao so với đầu năm 2021 như KBC tăng 60%, LHG tăng 42,2%, SZC tăng 41,5%, VGC tăng 33,5%...

Tuy nhiên, có những mã chỉ tăng giá nhẹ như IDC, thậm chí giảm như cổ phiếu BAX, ITA, dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng. Với ITA, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 321 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội) chia sẻ, anh mua cổ phiếu IDC từ đầu tháng 4 với giá hơn 40.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nắm giữ đến nay (31/8) vẫn chưa có lãi, bởi diễn biến giá sau đó có 2 đợt giảm và 2 đợt tăng đan xen. Anh kỳ vọng, đợt tăng giá cuối tháng 8 sẽ kéo dài sang tháng 9, vượt qua mức giá đã mua trước đây.

Trong khi đó, những nhà đầu tư chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp có quỹ đất lớn và kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh nhận được tỷ suất lợi nhuận cao như trường hợp chị Hoàng Hương tại Hà Nội.

Từ đầu năm nay, chị xác định sẽ tập trung mua cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, trong đó có mã KBC và VGC.

Triển vọng át thách thức

Đại dịch Covid-19 dần tác động mạnh hơn đến hoạt động khu công nghiệp ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

BCM đang ở tâm dịch Bình Dương. Doanh nghiệp này đã dành nhiều nguồn lực để chung tay cùng địa phương trong cuộc chiến chống Covid-19 như xây dựng bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1, quy mô 1.500 giường tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Thành phố mới Bình Dương và Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa (cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1), quy mô 5.300 giường.

BCM hiện hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại chỗ) và nỗ lực vượt qua dịch Covid-19 bằng việc vận dụng công nghệ, chuyển đổi số vào công tác điều hành doanh nghiệp.

Trong điều kiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp thường xuyên trao đổi, tổ chức hội thảo, hội nghị với nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nền tảng trực tuyến để nắm bắt kịp thời thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, người lao động…

Sáu tháng năm 2021, BCM đạt doanh thu 3.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 973 tỷ đồng, trong khi mục tiêu cả năm là doanh thu 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng.

Lãnh đạo BCM nhìn nhận, dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội, nhưng cũng tạo ra sự dư thừa nguồn vốn xã hội một cách cục bộ. Dòng vốn vào lĩnh vực du lịch, sản xuất, thương mại... giảm sút, trong khi chảy nhiều hơn vào bất động sản, nhất là mảng khu công nghiệp.

Đây là thời cơ để doanh nghiệp huy động nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, củng cố và phát huy mô hình kinh doanh dựa trên hệ sinh thái hiện hữu, đồng thời xây dựng một nền tảng mới, một hệ sinh thái mới, đón đầu những yêu cầu của các nhà đầu tư trong giai đoạn hậu Covid-19, qua đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, BCM tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, đi ngược với xu thế “thu mình” của các doanh nghiệp.

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cao cấp JLL Việt Nam, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản khu công nghiệp còn lớn. Số lượng các quỹ đầu tư tiếp cận thị trường logistics và khu công nghiệp ngày càng tăng, qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn.

Để góp phần đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong tương lai, Việt Nam cần duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

“Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nằm trong nhóm các ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm nay”, ông Trần Hiền Phương nhận định.

Tin bài liên quan