Dư địa tăng còn nhiều
Trao đổi với phóng viên, nhà đầu tư Thanh Tâm (Hà Nội) cho biết, chị đầu tư song song cả bất động sản và cổ phiếu nhóm ngành này, phân khúc ưa thích là nhà liền kề, biệt thự của các dự án khu đô thị lớn ở quanh Hà Nội để dễ bề nắm thông tin cũng như trực tiếp tham quan dự án, nên danh mục cổ phiếu đầu tư cũng chỉ tập trung vào mã VHM của Vinhomes.
“Ở phía Nam cũng có nhiều chủ đầu tư và dự án lớn, cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc khu vực này cũng diễn biến tích cực, nhưng tôi chưa xuống tiền vì không đủ thông tin”, chị Tâm nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, có không ít nhà đầu tư bất động sản khi tham gia thị trường chứng khoán cũng thường lựa chọn các cổ phiếu nhóm này, bởi khả năng nắm bắt thông tin doanh nghiệp thuận lợi hơn khi đa số các dự án hoặc quỹ đất của doanh nghiệp thể hiện khá rõ trên báo cáo tài chính và có thể kiểm tra trên thực địa. Tuy nhiên, giữa một “rừng” cổ phiếu bất động sản, lại có giai đoạn tăng tốt trước đó, nên điều khiến nhà đầu tư đắn đo là liệu lúc này có còn thích hợp để “lên tàu”?
Trả lời câu hỏi này, chuyên viên tư vấn đầu tư Nguyễn Chương của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho hay, hiện tại, so với các nhóm ngành khác, mức tăng của cổ phiếu địa ốc còn tương đối thấp do mới “vào sóng” từ đầu quý IV/2021, còn trước đó hầu hết đều trong trạng thái tích lũy, đi ngang, vì thế xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn từ nay tới cuối năm, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt cũng như có dự án lớn được bàn giao ngay trong giai đoạn cuối năm nay.
“Tuy nhiên, với việc dòng tiền vào mạnh như hiện nay sẽ khiến giá bị đẩy tăng quá nhanh, thế nên khả năng trong ngắn hạn sẽ có những nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại, trước khi bước vào nhịp tăng ổn định trong dài hạn”, chuyên viên tư vấn này lưu ý.
Còn theo nhà đầu tư Lê Kế Thọ, về bối cảnh chung, với chu kỳ bơm tiền vào thị trường và hoạt động đầu tư công đang được thúc đẩy - tập trung vào hạ tầng các đô thị vệ tinh, vùng ven, nên các doanh nghiệp có quỹ đất lớn ven các đô thị sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, có thể ra hàng ngay và mang lại nguồn thu tốt cho chủ đầu tư trong quý cuối năm.
Cổ phiếu doanh nghiệp có dự án đang trong giai đoạn bàn giao có nhiều tiềm năng tăng giá. Ảnh: Dũng Minh |
Đọc vị cổ phiếu tốt
Là nhà đầu tư có hàng chục năm “chinh chiến”, ông Lê Kế Thọ đánh giá, có nhiều yếu tố vĩ mô đang ủng hộ ngành bất động sản, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được lợi và cổ phiếu nào cũng có tiềm năng tăng giá như nhau. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ở ven Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có dự án đang triển khai và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, giá vốn thấp… sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với khu vực quanh TP.HCM.
Cũng theo nhà đầu tư này, khi đánh giá doanh nghiệp hay cổ phiếu địa ốc cần nhìn dài hạn, bởi một dự án có thể phải mất từ 3 - 5 năm mới có thể hoàn thiện pháp lý để triển khai và bán hàng, nên thời điểm hiện tại chỉ mới là giai đoạn thân của vòng đời dự án, chứ chưa phải là giai đoạn cuối và còn dư địa tăng giá, điều này cũng sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian tới.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Thọ cho biết, chủ đầu tư Nam Long Group (mã NLG) đang có dự án ở gần dự án Aqua City (của chủ đầu tư Novaland) là yếu tố tham chiếu tốt về giá cả, tiềm năng tăng giá, lợi nhuận… Hay với Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG), doanh nghiệp này có quỹ đất lớn ở Vũng Tàu, Đồng Nai với giá vốn thấp, trong khi đây đều là các địa phương đang được hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công.
“Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên chọn doanh nghiệp có nhiều đất vùng ven, giá vốn thấp, được hưởng lợi từ đầu tư công và dự án mới bắt đầu sinh lời, chứ không phải đã hạch toán hết doanh thu, lợi nhuận. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần có dự án gối đầu để đảm bảo phát triển ổn định trong dài hạn”, ông Thọ khuyến nghị.
Cùng góc nhìn, chuyên viên tư vấn đầu tư Nguyễn Chương cho hay, khi lựa chọn cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư cần lưu ý đến những yếu tố như doanh nghiệp phải có quỹ đất lớn và sạch, có các dự án đã hoàn thiện và sẵn sàng bàn giao ngay, có dự án gối đầu để tránh tình trạng bị hụt dòng tiền trong những năm tiếp theo, có cơ cấu tài chính lành mạnh.
Trao đổi với phóng viên, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán ở Hà Nội cho biết, dư địa tăng giá của cổ phiếu bất động sản còn nhiều, song điều quan trọng để các nhà đầu tư không rơi vào tình trạng “đu đỉnh” và lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng là hãy chọn những mã chưa tăng giá quá nhiều.
“Thời gian qua, có nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng giá mạnh như HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu), HDG (CTCP Tập đoàn Hà Đô), DIG (Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng), NLG (CTCP Đầu tư Nam Long), PDR (CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt)… nên sẽ khó ‘lướt sóng’ ngắn hạn, mà phù hợp để nắm giữ dài hạn. Với những mã như VRE (CTCP Vincom Retail), hiện giá trị thực còn thấp so với triển vọng ngành nên có nhiều triển vọng tăng giá mạnh”, vị này khuyến nghị.
Ngoài ra, còn một điểm nữa giúp nhà đầu tư có thể yên tâm “xuống tiền”, theo vị giám đốc trên, đó là trong giai đoạn 2019-2020, nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã phát hành lượng lớn trái phiếu và chủ yếu dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, nên một trong những mục tiêu quan trọng của những doanh nghiệp này là phải giữ thị giá cổ phiếu ở mức cao, điều đó sẽ có lợi cho doanh nghiệp khi nhu cầu phát hành trái phiếu trong tương lai vẫn rất lớn.
“Trường hợp tài sản đảm bảo liên tục giảm giá thì doanh nghiệp phát hành sẽ khó tránh việc phải bổ sung tài sản đảm bảo, nên về cơ bản, các cổ phiếu địa ốc sẽ còn được neo ở mức giá cao”, vị giám đốc này nhấn mạnh.