Cổ phiếu bao bì rộng đường tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm doanh nghiệp sản xuất bao bì đang là mảng màu tươi sáng trong bức tranh chung của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Lợi nhuận mảng bao bì của AAA trong 6 tháng ước tăng trưởng khoảng 45%.

Lợi nhuận mảng bao bì của AAA trong 6 tháng ước tăng trưởng khoảng 45%.

Doanh nghiệp bao bì giấy mở rộng

Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DHC) cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 264 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 57% và 67% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, Công ty đã đi được 2/3 chặng đường lợi nhuận cả năm. Tính trên mức vốn điều lệ 560 tỷ đồng, ước tính, thu nhập trên mỗi cổ phần DHC trong 5 tháng đầu năm đạt 4.700 đồng.

Kết quả này khá bất ngờ, bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 và đến nay đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố, khiến nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất.

Theo DHC, ngành sản xuất bao bì giấy trong nước đang đứng trước những cơ hội kinh doanh lớn, trước hết là nhờ các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến… phục vụ thị trường xuất khẩu tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng bao bì giấy thay thế cho bao bì nhựa nhằm hạn chế rác thải nhựa ra môi trường cũng ngày càng mạnh mẽ hơn.

DHC là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh giấy kraft công nghiệp và bao bì carton, nằm trên địa bàn tập trung nhiều nhà máy chế biến nông, thủy sản. Công ty kỳ vọng, giá bán trung bình và biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 khi nhu cầu giấy bao bì đi lên.

Nhà máy Giấy Giao Long 1 và 2 của DHC hiện đã hoạt động hết công suất. Để đón đầu cơ hội thị trường, Công ty đang nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy giấy Giao Long giai đoạn 3. DHC đã chốt quỹ đất xây dựng nhà máy này tại Khu công nghiệp Phú Thuận, Bến Tre, gần các nhà máy hiện tại của Công ty.

Theo kế hoạch, DHC sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2021 và trình Chính phủ đánh giá tác động môi trường vào năm 2022 để xin giấy phép đầu tư. Nhà máy sẽ cung cấp các loại giấy cao cấp hơn và nâng công suất thêm ít nhất 120% so với hiện tại.

Đồng thời với việc xây dựng nhà máy giấy, trong quý IV/2021, DHC chạy thử nghiệm nhà máy bao bì mới và đến quý I/2022 sẽ đưa vào vận hành chính thức, nâng công suất thêm 130%

Trước cơ hội tích cực từ thị trường, Công ty cổ phần Bao bì Biên Hoà (mã SVI) đã thuê đất tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (Đồng Nai) để chuẩn bị xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bao bì carton công suất 70.000 tấn/năm.

Bao bì nhựa chất lượng cao rộng đường xuất khẩu

Nhóm doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa cũng chia sẻ thông tin tích cực về hiệu quả kinh doanh 6 tháng. Theo Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã AAA), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay (không bao gồm mảng bất động sản công nghiệp) đạt khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 550 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 94% so với năm 2020.

AAA đang triển khai kế hoạch mở rộng công suất sản xuất bao bì, đặc biệt là bao bì tự huỷ sinh học. Công ty đang đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, trong đó chú trọng các thị trường lớn như châu Âu, Australia, Nhật Bản và Mỹ; đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường tại thị trường nội địa.

Tại Công ty cổ phần Thuận Đức (mã TDP), năm nay, mục tiêu kinh doanh đề ra là đạt 1.968 tỷ đồng doanh thu, 88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 45% và 21% so với kết quả thực hiện năm 2020. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng một lãnh đạo Công ty khẳng định, “kết quả kinh doanh 6 tháng của Công ty tăng trưởng so với cùng kỳ”.

Doanh số bao bì thức ăn chăn nuôi và nông sản tại thị trường trong nước vẫn tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu túi siêu thị có sự hồi phục khá tốt. Năm 2020, sản phẩm của Thuận Đức đã được xuất khẩu sang 40 nước.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty đã ban hành Nghị quyết về việc đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất túi siêu thị xuất khẩu. Theo đó, Công ty sẽ có thêm một nhà máy sản xuất vải PP không dệt, 4 nhà máy in ống đồng điện tử loại 9 màu tự động và các thiết bị phụ trợ cần thiết để sản xuất bao bì PP. Tổng vốn đầu tư của dự án này là hơn 150 tỷ đồng.

Công ty nhận định, thị trường sẽ khởi sắc hơn nhờ nhiều nước phát triển đã mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 trên diện rộng.

Nhu cầu về bao bì chất lượng cao trên thế giới rất lớn, Thuận Đức đang tập trung vào phân khúc sản phẩm này. Công ty sẽ mở rộng thêm 3 - 5 nhà máy phục vụ hoạt động xuất khẩu, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng vào năm 2025.

Lợi thế từ việc chủ động nguyên liệu đầu vào

Thị trường tiêu thụ thuận lợi, song một yếu tố bất lợi với các doanh nghiệp ngành bao bì nói chung là biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Tình trạng thiếu hụt container trầm trọng trên toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy do dịch Covid-19 làm thiếu hụt giấy OCC nhập khẩu cũng như giá giấy tăng cao. Câu chuyện cũng tương tự với nhiều doanh nghiệp bao bì nhựa, với tỷ trọng nguyên liệu đầu vào chiếm 60-70% trong cơ cấu giá thành.

Tại SVI, nguyên liệu giấy sản xuất trong nước mới đáp ứng được 80% nhu cầu sản xuất, vì vậy, trước biến động bất lợi của giá nguyên liệu đầu vào, dù doanh thu 6 tháng đầu năm nay đạt 441 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế giảm gần 42%, chỉ đạt 18,6 tỷ đồng. Áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến SVI đặt kế hoạch đi lùi trong năm nay, với mục tiêu 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 23,4% so với thực hiện năm ngoái.

Ngoại trừ SVI, các công ty DHC, AAA, Thuận Đức đều đang có lợi thế chủ động được nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, ngoại trừ SVI, các doanh nghiệp ngành bao bì đang niêm yết trên sàn chứng khoán khác như DHC, AAA và Thuận Đức ít nhiều đều có lợi thế về nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, nhờ sở hữu Nhà máy Giấy Giao Long, tự cung ứng phần lớn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bao bì carton, biên lợi nhuận gộp của DHC cao hơn so với các công ty cùng ngành. Hay tại Thuận Đức, với công nghệ sản xuất bao bì từ hạt nhựa PP tái sinh (tái chế từ bao xi măng có nguồn cung trong nước dồi dào), chi phí nguyên liệu của Công ty ít bị ảnh hưởng từ biến động giá hạt nhựa trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, thông tin từ AAA cho biết, ở mảng sản xuất bao bì màng mỏng, Công ty vẫn đang chủ động được nguồn phụ gia do công ty thành viên là An Tiến Industries (HII) sản xuất, góp phần giảm bớt chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho sản phẩm. AAA cũng sở hữu công ty thành viên trong mảng thương mại hạt nhựa, sản lượng nhập khẩu lớn nên chi phí nhập khẩu tương đối tốt.

Hiện tại, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đang gấp rút chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn (PBAT) có công suất 30.000 tấn/năm tại Hải Phòng.

Theo AAA, Nhà máy chất dẻo sinh học khi đi vào hoạt động từ quý IV/2023 sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho AAA, thay vì nhập khẩu như trước đây. Điều này giúp AAA tiếp cận các khách hàng lớn dễ dàng hơn cũng như tiết kiệm từ 40 - 50% chi phí nguyên liệu.

Triển vọng của ngành bao bì được Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định rất tích cực. Theo đó, mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2021 - 2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn. Mảng bao bì giấy cũng được hưởng lợi từ tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử ở thị trường trong nước. Trong khi đó, sản lượng bao bì nhựa trong năm 2021 có thể tăng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 112.000 tấn.

Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam vẫn còn lớn và các doanh nghiệp như DHC, SVI, TDP, AAA… đều lên kế hoạch mở rộng nhà máy.

Tin bài liên quan