Nhiều dự án của AAV đang chậm tiến độ.

Nhiều dự án của AAV đang chậm tiến độ.

Cổ phiếu AAV của Việt Tiên Sơn Địa ốc và nỗi lo sau cú tăng phi mã

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự xuất hiện bất ngờ của dàn lãnh đạo cũng như cổ đông mới khiến giá cổ phiếu AAV của Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn Địa ốc tăng phi mã trong thời gian ngắn.

Cuộc “đổi ngôi” chóng vánh

Từ giữa tháng 7/2021, trên một số diễn đàn chứng khoán cũng như nhóm chat đầu tư xuất hiện lời mời gọi “vào sóng” AAV với lý do dàn lãnh đạo thượng tầng sẽ có sự thay đổi lớn, tạo kỳ vọng về sự chuyển biến trong hoạt động của doanh nghiệp.

Kể từ đó tới nay, thị giá cổ phiếu AAV bắt đầu tăng một mạch từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 27.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại, tức tăng gần 2,5 lần chỉ sau 2 tháng.

Đi kèm với đó là lượng cổ phiếu giao dịch mỗi phiên cũng tăng 5 - 6 lần so với trước, thậm chí có phiên giao dịch lên tới hàng triệu đơn vị.

Thực tế, thông tin thay đổi lãnh đạo của AAV chính thức được công bố sau phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 10/9/2021.

Theo đó, sau sự rút lui của 5 thành viên Hội đồng quản trị cũ, bao gồm cả cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thanh Hải là sự xuất hiện của 4 thành viên mới, gồm ông Phạm Quang Khánh, ông Lê Sỹ Cường, ông Nguyễn Thành Giang và ông Nguyễn Văn Chuyên, trong đó ông Phạm Quang Khánh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay thế ông Nguyễn Thành Giang là thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Bên cạnh đó, bà Tôn Thị Liên được bầu làm thành viên Ban Kiểm soát, thay thế bà Đỗ Thị Thu Hà có đơn từ nhiệm.

Cuộc đổi ngôi chóng vánh tại AAV gây chú ý trên thị trường bởi chỉ vài tháng trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 5/2021, ban lãnh đạo cũ của AAV còn cam kết quyết tâm tái cơ cấu Công ty nhằm tạo đột phá trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Và để chứng minh, nhiều lãnh đạo AAV đã đăng ký mua vào cổ phiếu để gia tăng sở hữu, trong đó, ông Nguyễn Thanh Hải đăng ký mua 960.000 cổ phiếu, ông Nguyễn Trọng Điều đăng ký mua 500.000 cổ phiếu và ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc đăng ký mua 1,79 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, hiện tại, ông Nguyễn Trọng Điều cùng một số lãnh đạo cũ đã thoái hết vốn khỏi AAV và động thái bán ra cổ phiếu vẫn chưa dừng lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số cổ đông cũ cũng đang rục rịch có kế hoạch chốt lời khi giá cổ phiếu AAV tăng cao.

Cả loạt dự án chậm tiến độ

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của AAV khá trồi sụt, tình hình tài chính cũng không mấy sáng sủa khi dòng tiền kinh doanh thường trong tình trạng âm.

Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn quá lớn, đặc biệt, trong cơ cấu tài sản từ năm 2018 trở lại đây, các khoản phải thu ngắn hạn thường xuyên chiếm từ 75-85% tài sản ngắn hạn, tập trung ở các khoản tạm ứng, cho vay cá nhân, tổ chức, góp vốn và trả trước cho người bán, trong đó nhiều khoản tạm ứng giá trị vài chục tỷ đồng nhưng đều chưa được thuyết minh rõ ràng.

Trong hoạt động đầu tư, nhiều dự án bất động sản nhà ở và thương mại tại TP. Hải Dương và vùng đô thị Chí Linh như dự án phía Đông đường Yết Kiêu, phía Đông đường Trần Hưng Đạo, Côn Sơn Resort, chung cư phường Việt Hoà, công viên nghĩa trang Hoa Lạc Viên, tòa nhà cho thuê tại TP. Hải Dương…, đều trong tình trạng dở dang.

Đơn cử, dự án phía Đông đường Yết Kiêu, phía Đông đường Trần Hưng Đạo được giao đất cả chục năm trước, nhưng tới nay vẫn chưa xây dựng xong. Tới cuối tháng 6/2021, chi phí sản xuất - kinh doanh tồn đọng riêng tại 3 dự án phía Đông đường Yết Kiêu, phía Đông đường Trần Hưng Đạo và Côn Sơn Resort là hơn 152,5 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại dự án phía Đông đường Yết Kiêu với gần 123 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ban lãnh đạo cũ AAV đã đề ra các giải pháp tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản đang sở hữu, từ việc giải phóng mặt bằng tới kế hoạch bơm vốn cho các dự án, nhưng kế hoạch vẽ ra chưa ráo mực thì họ đã bất ngờ từ nhiệm.

Liệu có “đổi vận”?

Trở lại với câu chuyện thay đổi cơ cấu cổ đông và lãnh đạo mới, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra sáng ngày 10/9/2021, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị AAV Phạm Quang Khánh cho biết, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ hoàn tất cấu trúc hệ sinh thái sản phẩm bất động sản, bao gồm đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn - nhà hàng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, cụm công nghiệp…, đồng thời cam kết khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có với kỳ vọng mang lại tối thiểu 750 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 năm tới.

Cũng tại đại hội, AAV đã thông qua việc thoái toàn bộ gần 32 tỷ đồng vốn góp (tỷ lệ 88,83%) tại công ty con là Công ty cổ phần Đông Nam Dược Nguyễn Thiệu nhằm tái cơ cấu hoạt động đầu tư, tập trung vào hoạt động kinh doanh chính trong thời gian tới.

Cùng với đó, ban lãnh đạo mới cũng trình cổ đông thông qua việc phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 660 tỷ đồng trong năm nay để có thêm nguồn tài chính phục vụ các dự án còn dang dở, cũng như mở rộng hợp tác triển khai một số dự án mới.

Các nhà đầu tư được lựa chọn trong phương án phát hành này là 3 thành viên Hội đồng quản trị mới, bao gồm ông Phạm Quang Khánh (19,55 triệu cổ phiếu), ông Nguyễn Thành Giang (10 triệu cổ phiếu) và ông Bùi Đình Như (450.000 cổ phiếu).

Trong phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, Ban lãnh đạo AAV cho biết, ngoài việc mua thêm cổ phần tại Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn để nâng sở hữu lên 95% và bổ sung vốn lưu động, Công ty sẽ đầu tư cho các dự án tại Hải Dương, trong đó AAV dự kiến góp 140 tỷ đồng để cùng Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Quốc tế (Trabinco) đầu tư vào dự án Khu dân cư Cầu Yên (thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ).

Đáng chú ý, Trabinco cũng là doanh nghiệp do tân Chủ tịch Hội đồng quản trị AAV Phạm Quang Khánh đứng chức danh người đại diện pháp luật và nắm quyền chi phối.

Ngoài ra, trên thị trường, Trabinco và dự án Khu dân cư Cầu Yên cũng không phải là cái tên xa lạ khi vướng vào những tố cáo liên quan đến việc xây dựng trái phép, huy động vốn trái quy định khi chưa hoàn thiện hạ tầng...

Dự án này được Trabico trúng thầu từ năm 2018, nhưng sau đó liên tục gặp khó khăn về vốn cũng như trong công tác đàm phán đền bù, giải phóng mặt bằng với các hộ dân.

Tin bài liên quan