Theo đó, hình thức cổ phần hoá Vinalines là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Sau cổ phần hoá, vốn điều lệ của Vinalines là hơn 14.046 tỷ đồng. Tổng số cổ phần hơn 1,4 tỷ đơn vị, mệnh giá 10.000 đồng.
Trong đó, Nhà nước nắm giữ xấp xỉ 913 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2,29 triệu cổ phần, chiếm 0,16% vốn điều lệ.
Ngoài ra, số bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm làm việc tại khu vực nhà nước là 1,6 triệu cổ phần, chiếm 0,11% vốn điều lệ;
Bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm cam kết làm việc tiếp cho công ty cổ phần là 694.900 cổ phần, chiếm 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 500.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ.
Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207,9 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ và còn lại, số cổ phần bán đấu giá công khai khoảng 20%, với hơn 280,9 triệu cổ phần.
Mức giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines là 10.000 đồng/cổ phần. Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội (HNX).
Với sự kiện cổ phần hoá, khoảng 319 lao động của Vinalines sẽ phải nghỉ việc, tổng số lao động giữ lại còn 1.096 người.
Báo cáo tài chính công ty mẹ của Vinalines năm 2017 cho thấy, tổng ty này có lãi 305,6 tỷ đồng, giảm lãi gần 88% so với năm 2016.
Trong năm vừa qua, tổng tài sản công ty mẹ Vinalines đã giảm hơn 1.710 tỷ đồng còn 16.384,6 tỷ đồng vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, nợ phải trả đã giảm mạnh còn 3.915,2 tỷ đồng, giảm hơn 36%.
Vinalines từng lên kế hoạch sẽ thực hiện IPO bán đấu giá cổ phần và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trong quý II/2018 và vào quý III chính thức trở thành công ty cổ phần, đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM theo quy định.