"Con tàu" cổ phần hóa chưa… “cài số tiến”
Theo Công văn 991/2017/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2018.
Thế nhưng không chỉ không hoàn thành thời hạn cổ phần hóa như quy định, mà đến nay, EVNGENCO1 liên tục thất hẹn về thời điểm cổ phần hóa. Theo đó, sau khi xin lùi thời gian cổ phần hóa sang năm 2019, mới đây, EVNGENCO1 đã trình các cấp có thẩm quyền xin điều chỉnh thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp sang ngày 1/1/2020.
Cũng nằm trong kế hoạch năm 2018, nhưng do những sai phạm của Tổng công ty Viễn thông MobiFone trong thương vụ mua 95% cổ phần CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), nên đến nay, thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp này vẫn đang mờ mịt.
“Qua theo dõi, tôi thấy số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 12 doanh nghiệp hoàn thành, 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang năm 2020, 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành...”, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang quan ngại.
Từ thực tiễn tư vấn cổ phần hóa cho nhiều doanh nghiệp, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết cho biết, sau khi gần đây một số lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo các cấp quản lý bị xử lý vì sai phạm liên quan đến cổ phần hóa, tâm lý sợ trách nhiệm đang bao trùm, khiến cho tiến trình cổ phần hóa gần như dậm chân tại chỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư...
Đáng quan ngại là “con tàu” cổ phần hóa dù đã khựng lại lâu như vậy, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu… “cài số tiến”, khi theo Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm nay, chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong khi theo Công văn 991//2017/TTg-ĐMDN, năm 2019 phải cổ phần hóa 18 doanh nghiệp (chưa kể hơn 40 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2018 chuyển sang).
Nhiều “ông lớn” nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm nay như Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ… hiện vẫn mù mờ về thời hạn hoàn thành cổ phần hóa như mục tiêu đề ra.
Với thực tế này, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm nay, cả nước mới hoàn thành cổ phần hóa 30/127 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn 991/2017/TTg-ĐMDN, tức mới hoàn thành 24% kế hoạch đề ra.
Hoạt động cổ phần hóa còn thiếu minh bạch
Ngoài cổ phần hóa chậm, tình trạng cổ phần hóa thiếu minh bạch, thậm chí bị đặt mối ngờ có lợi ích nhóm chi phối, cũng đang tác động tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư.
“Vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cổ phần hóa, thoái vốn, gây bức xúc trong dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được doanh nghiệp thực hiện nghiêm. Việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời. Hoạt động cổ phần hóa còn thiếu công khai, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật...”, đại biểu Nguyễn Trường Giang thẳng thắn.
Minh chứng cho tình trạng cổ phần hóa thiếu minh bạch, ông Giang dẫn ra nhiều ví dụ. Chẳng hạn, trong quá trình cổ phần hóa CTCP cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã nêu Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành 2 văn bản trái phép cho phép Công ty Hợp Thành sở hữu 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu cơ quan này hủy bỏ 2 văn bản trên và thu hồi hơn 75% cổ phần Cảng Quy Nhơn đã bán cho Công ty Hợp Thành...
Tiếp đó, tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, các cơ quan nhà nước có ý kiến khác nhau về các khoản nợ của Sabeco đối với Nhà nước, dẫn đến việc thu hồi các khoản nợ đối với ngân sách nhà nước gặp khó khăn sau cổ phần hóa.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa theo kế hoạch đã đề ra theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa, cũng như các cơ quan tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa. Tình trạng này càng để lâu, niềm tin của nhà đầu tư càng bị thử thách, cơ hội thu hút các nguồn lực mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ nhỏ dần.
Để có hướng đưa ra những chỉ đạo mới, khắc phục được những hạn chế trên, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2019-2020 của cả nước, trong đó có kế hoạch cổ phần hóa của TP.HCM trước ngày 15/6/2019.
Cổ phần hóa hiện gặp nhiều vướng mắc
Ông Lê Minh Chuẩn, Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
Vướng mắc đầu tiên là vấn đề triển khai cổ phần hóa đối với doanh nghiệp lớn khi xác định giá trị doanh nghiệp có đất đai nằm ở nhiều địa phương. Tiếp đó là trình tự phê duyệt phương án sử dụng đất trong cổ phần hóa mất nhiều thời gian do bị chi phối bởi có 3 văn bản là Nghị định 59/2011, Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 167/2017 quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Cùng với đó, doanh nghiệp còn lúng túng trong thực hiện cổ phần hóa do có sự khác nhau về cách hiểu và cách áp dụng các văn bản pháp luật liên quan đến đấu giá, khi nội dung này được điều chỉnh bởi Nghị định 126/2017, Nghị định 32/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Thông tư 59/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 219/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, bên cạnh những vướng mắc khi xử lý tài chính trước khi xác định giá trị khởi điểm của doanh nghiệp...
Việc cổ phần hóa chậm là do thêm quy định chặt hơn
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
Theo tiến độ cổ phần hóa hiện nay, tuy quá trình triển khai có chậm, nhưng vẫn trong thời hạn thực hiện. Việc cổ phần hóa chậm thời gian qua một phần do cơ quan quản lý đã bổ sung thêm những quy định về tính toán giá trị doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn, chẳng hạn như rà soát xác định giá đất theo quy định tại Nghị định 126/2017, Nghị định 167/2017..., khiến khối lượng công việc trở nên nhiều hơn.
Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, các bên liên quan sẽ thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ. Nếu cổ phần hóa chậm do cố tình hoặc trì hoãn, thì chắc chắn sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân theo quy định…