Một cửa hàng của Petrolimex ở TP. HCM

Một cửa hàng của Petrolimex ở TP. HCM

Cổ phần hoá Petrolimex: Bình cũ rượu có mới?

Là tổng công ty nhà nước nhưng từ năm 1989 đến nay Petrolimex không nhận được thêm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước - đây là điểm yếu được Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa lên hàng đầu khi phân tích SWOT (thế mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) đối với hoạt động của Tổng công ty Xăng dầu.

>> Câu hỏi trước cuộc bán vốn Petrolimex

 

Mặc dù bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời điểm không thuận lợi do chứng khoán đang ảm đạm, phương thức xác định vốn nhà nước khi cổ phần hóa ở Petrolimex vẫn không thay đổi so với cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn trước đây như Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, Vietcombank, Vietinbank. IPO Petrolimex, vì thế, vẫn là câu chuyện cũ của cải cách doanh nghiệp quốc doanh.

 

Bán dần dần

 

"Lần này Petrolimex chỉ mang ra bán 27,4 triệu cổ phần, tức 2,56% vốn điều lệ. Thị trường thế này mà bán nhiều, rồi lại mang về thì không hay. Tổng công ty sẽ bán dần dần, có thể nhiều lần", ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp trung ương, phát biểu trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Petrolimex tại TPHCM. Ông nói thêm: "Chúng ta sẽ tiếp tục làm và làm mạnh hơn (cổ phần hóa các doanh nghiệp tầm cỡ)".

 

Chiến lược "bán dần dần" tỏ ra hợp lý trong lúc này không chỉ với Petrolimex mà còn với tất cả những doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa. Đầu tháng 6 vừa qua Tổng công ty Thép chỉ bán được hơn 39 triệu trong số gần 66 triệu cổ phần mang ra IPO. Trước đó chỉ có Tổng công ty miền Trung bán hết gần 24 triệu cổ phiếu IPO. Việc phát hành cổ phần ra bên ngoài của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) cũng không thực hiện hết khi chỉ bán được hơn 27,6% tổng khối lượng cổ phần đem ra đấu giá.

 

Cho dù giá khởi điểm của các doanh nghiệp trên sát mệnh giá, như của Tổng công ty Thép là 10.100 đồng/cổ phiếu (giá IPO thành công 10.101 đồng/cổ phiếu); Tổng công ty miền Trung 10.300 đồng (10.600 đồng), MHB 11.000 đồng (11.025 đồng), nhưng nhà đầu tư vẫn không nhiệt tình cho lắm bởi giá cổ phiếu của những đơn vị có hiệu quả kinh doanh tương tự trên sàn hiện phần lớn dưới mệnh giá. Ngay cả những công ty mà Petrolimex nắm giữ cổ phần chi phối đang niêm yết trên sàn như VIP, PIT, PJT, PTS, PGC, Vitaco... giá giao dịch đều thấp hơn giá trị sổ sách, có loại chỉ 6.000-8.000 đồng/cổ phiếu.

 

 

Bình cũ rượu có mới?

 

Trước khi cổ phần hóa vốn điều lệ của Petrolimex là 1.432,8 tỷ đồng. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 10.164 tỷ đồng. Số vốn của Nhà nước được giữ nguyên, và tổng công ty phát hành thêm 53,6 triệu cổ phiếu tương đương 536 tỷ đồng mệnh giá để bán cho CBCNV, công đoàn và công chúng, nâng vốn điều lệ lên 10.700 tỷ đồng.

 

Sự chênh lệch giữa mức vốn điều lệ thực trước và sau cổ phần hóa là quá lớn trong khi vốn tự có, vốn lưu động của doanh nghiệp không thay đổi. Chưa kể Petrolimex đã không được Nhà nước đầu tư thêm vốn từ hơn 20 năm nay. Vốn lưu động của doanh nghiệp có thể được bổ sung thêm một phần từ thặng dư nếu phát hành hết số cổ phần mang ra bán, nhưng sẽ không nhiều do còn chi phí cổ phần hóa và nộp vào ngân sách.

 

Cách thức cổ phần hóa Petrolimex không có gì mới so với những doanh nghiệp đi trước. Những kiến nghị và đề xuất của giới tài chính về việc thuê các tổ chức định giá độc lập quốc tế, trong nước tham gia xác định giá trị doanh nghiệp đã không được chú ý. Hiện tại Petrolimex không đặt ra vấn đề chọn đối tác chiến lược do Việt Nam chưa có lộ trình mở cửa lĩnh vực bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cửa vĩnh viễn đóng. Điều gì xảy ra nếu sau này Petrolimex mời chào đối tác chiến lược và đối tác chiến lược xác định giá trị tổng công ty cao/thấp hơn nhiều lần?

 

Chi phí bán hàng và quản lý tăng 24%/năm

 

Bản thân Petrolimex và nhà đầu tư đều kỳ vọng sau cổ phần hóa tổng công ty sẽ hoạt động theo mô hình mới, quản trị doanh nghiệp mới. Song sự thay đổi cơ cấu cổ đông mà theo đó Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ áp đảo gần 95% hầu như không mang ý nghĩa gì. Một trong những yếu tố quan trọng của công ty cổ phần là doanh nghiệp được tự chủ trong kinh doanh. Liệu Petrolimex có được sự tự chủ này?

 

Theo bản cáo bạch (trang 13) "giá xăng dầu trên thế giới biến động thất thường ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Petrolimex. Nếu Nhà nước tiếp tục quản lý giá xăng dầu như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không chủ động được trước biến động của giá xăng dầu thế giới". Cơ chế điều hành giá xăng dầu của Nhà nước là chìa khóa ấn định lợi nhuận của tổng công ty. Thời điểm, mức độ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước của cơ quan quản lý đã dẫn đến kết quả khác nhau một trời một vực: lợi nhuận sau thuế từ kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex là 2.880 tỷ đồng; năm 2010 là 99 tỷ đồng và chín tháng đầu năm 2011 dự kiến lỗ 1.220 tỷ đồng.

 

Cũng từ bản cáo bạch (trang 49), một điểm nữa nổi lên là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Petrolimex tăng không ngừng ở mức cao kể từ năm 2008 trở lại đây, trung bình 24%/năm. Mức tăng này có liên quan đến hoa hồng cho các đại lý. Hiện hoa hồng cho các đại lý của Petrolimex, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tổng công ty, từ 300-500 đồng/lít tùy loại. Với sản lượng tiêu thụ bình quân của Petrolimex 8,86 triệu mét khối/năm, tức khoảng 8,8 tỷ lít xăng dầu/năm, chỉ cần mức hoa hồng cho đại lý giảm 50-100 đồng/lít, thì chi phí của tổng công ty đã giảm đến hàng trăm tỷ đồng.

 

Về quản lý tiền tệ, Petrolimex đứng thứ hai quốc gia về doanh thu (năm ngoái đạt 117.000 tỷ đồng), chỉ sau tập đoàn Dầu khí. Một doanh nghiệp có số thu tiền đồng bình quân 320 tỷ đồng/ngày trong suốt cả năm như Petrolimex chắc chắn có nhiều ngân hàng xếp hàng phục vụ. Trước đây tổng công ty cần khoảng 6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để nhập khẩu xăng dầu. Từ khi Nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, lượng ngoại tệ cần thiết của Petrolimex giảm đi, nhưng vẫn còn khá lớn. Với sự trợ giúp của các ngân hàng, tổng công ty hoàn toàn có khả năng cân đối tiền đồng và ngoại tệ. Không hiểu sao Petrolimex vẫn luôn phàn nàn về rủi ro tỷ giá? Tổng công ty có bao giờ lên tiếng về lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam quá cao không?