Ảnh Internet
Xét về chất lượng cổ phần hóa, tỷ lệ 8% vốn bán được là một nghịch lý khi đặt cạnh số doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.
Từ thực tế trên, việc tăng chất, tạo độ sâu cho cổ phần hóa được Chính phủ đặc biệt quan tâm, với quyết tâm tìm ra giải pháp để giải quyết nghịch lý.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, năm nay, Chính phủ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, ngay trong ngày đi làm đầu tiên năm Ðinh Dậu (2/2/2017), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, xác định nhiệm vụ này là một nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng yêu cầu ngay trong quý I, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng xong danh mục DNNN phải sắp xếp lại theo từng năm, đồng thời yêu cầu phải chỉ đạo áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, công khai thông tin tài chính, có cơ chế gắn việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ trương cổ phần hóa DNNN năm 2017 khác với mọi năm ở chỗ, tinh thần mà Thủ tướng chỉ đạo là phải quyết liệt thực thi.
“Ngoại trừ những doanh nghiệp cần nắm giữ phần vốn nhà nước, những doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo, còn lại những doanh nghiệp không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài theo hướng công khai, minh bạch và lựa chọn theo đấu giá cạnh tranh... Tinh thần chỉ đạo là đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực trong cổ phần hóa...”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, DNNN.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo thúc đẩy cổ phần hóa cả về lượng và chất. Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ đều bàn về tiến độ cổ phần hóa, bán vốn của Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp, để kiểm điểm những việc đã và chưa làm được, trên cơ sở đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ, để từ năm nay cũng như giai đoạn tới, sẽ tạo chuyển biến rõ nét về nâng cao chất lượng cổ phần hóa.
Những giải pháp trên đáp ứng trúng mong đợi của giới đầu tư trong và ngoài nước. Ðặc biệt, họ mong đợi Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện triệt để định hướng bán 100% DNNN và đưa doanh nghiệp lên sàn ngay sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Khi những giải pháp này được triển khai mạnh mẽ trên thực tế, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ, tạo bước chuyển mới trong thu hút dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại tham gia quá trình tái cấu trúc DNNN, từ đó kỳ vọng tạo ra động lực mới, thúc nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao năm nay.