Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Hấp dẫn vì đất

Những phiên đấu giá cổ phần doanh nghiệp nhà nước đang trở nên sôi động nhờ kỳ vọng từ những mảnh đất vàng mà các doanh nghiệp này đang nắm quyền sử dụng.
Phiên đấu giá cổ phần của VEFAC ngày 20/3 tới được nhiều nhà đầu tư chờ đón bởi doanh nghiệp này sở hữu đất vàng. Ảnh: ĐT

Phiên đấu giá cổ phần của VEFAC ngày 20/3 tới được nhiều nhà đầu tư chờ đón bởi doanh nghiệp này sở hữu đất vàng. Ảnh: ĐT

Trong tháng 3 này, phiên đấu giá được nhiều nhà đầu tư quan tâm là phiên IPO của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) diễn ra ngày 20/3.

Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ nguyên phần vốn hiện tại (166,6 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ sau cổ phần hóa) và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong cơ cấu vốn sau cổ phần hóa, chỉ có 16,26 triệu cổ phiếu (tương đương 9,76% vốn điều lệ sau cổ phần hóa) được đem đấu giá với giá khởi điểm 10.050 đồng/cổ phiếu. 80% phần vốn còn lại (tương đương 1.332,83 tỷ đồng) được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup.

Theo Ban chỉ đạo cổ phần hóa VEFAC, việc lựa chọn Vingroup làm cổ đông chiến lược nhằm thực hiện hỗ trợ VEFAC thực hiện đầy đủ các nội dung được nêu trong phương án cổ phần hóa gắn với phát triển Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Việc Vingroup trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 80% được giới đầu tư ngầm hiểu rằng, tập đoàn này đang nhắm đến khu đất vàng rộng 68.380 m2 tại 148 - Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), bởi theo Đề án Phát triển VEFAC sau cổ phần hóa, Khu hội chợ triển lãm đa năng sẽ được chuyển về Nhật Tân - Nội Bài, còn Giảng Võ sẽ được chuyển đổi thành trung tâm thương mại.

Trước đó, năm 2014, Vingroup cũng trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khi nắm giữ 10% vốn điều lệ của Vinatex. Ngoài ra, một ông lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân phối, phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam cũng trở thành cổ đông lớn của Vinatex khi nắm giữ 14% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID).

Tính tới thời điểm trước cổ phần hóa, Vinatex cùng các công ty thành viên được giao quản lý và sử dụng trên 490.000 m2 đất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm nhiều mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa trong nội thành Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác như Nam Định, Hải Phòng, Bình Dương…

Có thể thấy rằng, không chỉ có vị trí vững chắc trong ngành dệt may, lợi thế thu hút đầu tư của Vinatex còn nằm ở quỹ đất, nhất là với những nhà đầu tư bất động sản, bán lẻ như Vingroup hay VID.

Đáng chú ý, trong Điều lệ tổ chức và hoạt động Vinatex đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 8/1/2015, khoản 8b, Điều 5 nêu rõ trường hợp Vinatex tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất thì không cần Đại hội đồng cổ đông thông qua. Điều khoản trên có thể sẽ mở đường cho việc chuyển mục đích sử dụng những mảnh đất vàng mà Vinatex đang nắm giữ quyền sử dụng.

Một doanh nghiệp khác cũng có đại bản doanh tọa lạc trên khu đất vàng cũng được giới đầu tư chứng khoán quan tâm gần đây là Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội (XPH - UPCoM).

Ngày 17/3, sẽ diễn ra phiên đấu giá 80% vốn điều lệ của XPH do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu. Vinachem dự định sẽ bán toàn bộ 10,38 triệu cổ phiếu cho một nhà đầu tư duy nhất trong nước với giá thấp nhất là 18.000 đồng/cổ phiếu.

XPH hiện đang kinh doanh các hóa chất cơ bản và sản xuất gia công chất tẩy rửa dạng lỏng, xà phòng thơm cho Unilever Việt Nam. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tình hình kinh doanh của XPH có dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, năm 2013, doanh thu thuần của XPH đạt 217,13 tỷ đồng; lỗ sau thuế 2,36 tỷ đồng. Ba quý đầu năm 2014, XPH tiếp tục ghi nhận lỗ 4,46 tỷ đồng, vượt cả lỗ lũy kế năm 2013.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, bất chấp tình hình kinh doanh không mấy khả quan, việc Vinachem tự tin chào bán phần vốn XPH với giá cao là do XPH hiện đang nắm giữ quyền sử dụng 32.000 m2 đất tại địa chỉ 233B - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), nằm trong khu đất thường được biết với tên gọi “Cao - Xà - Lá”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, khu đất 233B - Nguyễn Trãi hiện được Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội thuê hàng năm. Điều này khiến giới đầu tư không mấy mặn mà với phiên đấu giá này, bởi hiện vẫn chưa có nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ ra gần 200 tỷ đồng để đăng ký tham gia đấu giá mua lại phần vốn trên.

Tuy nhiên, kỳ vọng từ “đất vàng” cũng đã giúp giao dịch của cổ phiếu XPH trở nên sôi động hơn với thanh khoản tăng mạnh, thị giá tăng gần 4 lần từ mức đáy 6.500 đồng/cổ phiếu chỉ trong 2 tháng qua.

Trong thời gian gần đây, cổ phần của các cảng biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh... cũng lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh biển, thì các nhà đầu tư cũng nhắm tới quỹ đất màu mỡ ven sông, ven biển để kinh doanh bất động sản trong tương lai, nhằm cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt, tạo lập giá trị cho đời sống xã hội.

Tin bài liên quan