Chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí cho rằng, cho dù Chính phủ đưa ra mục tiêu thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong hai năm 2014 - 2015, nhưng nếu không có những giải pháp thực hiện, thì cũng khó hoàn thành mục tiêu trên.
“Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ cho phép doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Tuy nhiên, Nghị quyết 15/2014/NQ-CP vẫn chưa đề xuất được các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước”, ông Chí nói.
Chính vì vậy, theo ông Chí, việc thu hút khu vực tư nhân tham gia góp vốn và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước trở nên rất khó khăn.
Các chuyên gia nhận định, để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thời gian tới cần tập trung vào 4 giải pháp cụ thể sau.
Thứ nhất, xác định cụ thể giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp và đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ
phần hóa;
Thứ hai, xác định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối, ngành nào không cần. Từ đó, đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, nắm cổ phần chi phối.
Thứ ba, kiên quyết sắp xếp, giải thể các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục.
Thứ tư, Nhà nước kiên quyết không ưu đãi, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới dạng bao cấp hoặc bảo hộ. Thay vào đó, cần tập trung hoàn thiện chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tự chủ, minh bạch cho hoạt động của doanh nghiệp, sau khi cổ phần hóa.
Tại Hội thảo, ông Đồng Văn Quảng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, cho dù, Tổng công ty có nhiều tiềm lực để phát triển (có 57 đơn vị với địa bàn hoạt động trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu khu vực Tây Nguyên, miền Trung; quản lý hơn 37.000 ha đất, trong đó có hơn 20.000 ha cà phê, hơn 3.000 ha lúa nước, hơn 2.000 ha cao su, hơn 1.000 ha ca cao, hơn 1.000 ha hồ tiêu…), song Tổng công ty đang gặp khó khăn do bị vướng một số vấn đề.
Cụ thể, vai trò chủ đạo, định hướng phát triển ngành rất hạn chế vì diện tích và sản lượng cà phê trong các doanh nghiệp nhà nước (cả Trung ương lẫn địa phương) chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích cà phê cả nước (chỉ khoảng 5%), trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến (sản phẩm thô) chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế…
Đặc biệt, bất cập lớn hiện nay là các chính sách về khoán sản phẩm, quản lý sử dụng đất đai và các chế độ, chính sách liên quan về lao động chưa phù hợp với Luật Đất đai và Luật Bảo hiểm xã hội. Dó đó, đã xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp ở các công ty con, ở các địa phương.
Được biết, Tổng công ty Cà phê Việt Nam chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp phải tình trạng trên.
TS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, những năm qua, hệ thống doanh nghiệp nhà nước tồn tại nhiều vấn đề giống nhau, như hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp, vay nợ nhiều, đầu tư dàn trải, năng lực cạnh tranh yếu, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, mô hình tổ chức chưa phù hợp và quản trị doanh nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
“Do đó, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn. Song để đẩy mạnh cổ phần hóa, cần phải thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp trên”, bà Dung nhấn mạnh.