Có nên rót tiền vào vàng lúc này?

0:00 / 0:00
0:00
Giá vàng đi lên trước áp lực lạm phát của Mỹ đang tăng cao và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, với thị trường trong nước, sẽ khá rủi ro khi mua vàng.
Đầu tuần này, giá vàng trong nước giảm trong khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng giá. Ảnh: Đ.T

Đầu tuần này, giá vàng trong nước giảm trong khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng giá. Ảnh: Đ.T

Vàng sẽ tái lập đỉnh 2.000 USD/ounce?

Chỉ trong 10 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng hơn 100 USD/ounce, lên mức 1.870 USD/ounce, sau một thời gian dài lình xình ở mức thấp 1.680 - 1.750 USD/ounce. Sở dĩ giá vàng thế giới bật tăng mạnh gần đây do Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 tăng 0,9%, cao hơn so với dự báo trước đó là 0,4%.

Theo đó, lạm phát tại Mỹ tính theo năm đã lên tới 6,2%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo là 5,8%. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát theo năm cao nhất kể từ năm 1990. Điều này khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro cao để tìm tới vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Chính vì thế, giá mặt hàng kim loại quý này đã bứt phá trong nhiều phiên liên tiếp.

Điều đáng ngại hơn là thị trường đang mất niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát ở mức mong muốn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nguyên nhân là, giá năng lượng, chi phí chỗ ở và thực phẩm tăng mạnh trong tháng 10.

Cụ thể, giá thực phẩm đã tăng 5,3% so với một năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/2009, trong khi giá xăng tăng 6,1%, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3. Giá dầu nhiên liệu cũng ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 2007, với mức tăng tới 12,3% so với tháng trước. Chi phí điện đã tăng 1,8% - mức tăng hàng tháng lớn nhất trong 7 năm qua.

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia phân tích cấp cao lĩnh vực vàng nhận định, trong ngắn hạn, lạm phát không thể kéo giảm nhanh, nên vàng sẽ được hưởng lợi từ điều này. Tuy giới đầu tư và người dân Mỹ đã lường trước việc giá cả hàng hóa tăng, nhưng tốc độ tăng giá hiện nay được cho là quá cao vượt dự báo trước đó. Với mức lạm phát được công bố quá cao, lãi suất thực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Mặc dù bắt đầu giảm dần thu mua tài sản trong tháng 11/2021, song Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell thừa nhận, vấn đề lạm phát đang không chắc chắn và còn quá sớm để bắt đầu nâng lãi suất. Nhận định được đưa ra từ các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, Fed có nhiều khả năng sẽ kiên nhẫn để hỗ trợ nền kinh tế và vàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng lạm phát hằng năm tại Mỹ tăng lên 7% trong thời gian tới. Khi đó, Fed sẽ đẩy nhanh việc giảm nguồn cung tiền mặt ra thị trường cũng như sớm tăng lãi suất cơ bản của đồng USD.

Nhưng trong ngắn hạn, giá vàng được nhận định còn chiều hướng tăng, vì ngoài áp lực lạm phát tại Mỹ cao, thì nhu cầu vàng vật chất được dự báo tăng lên ở Ấn Độ và Trung Quốc vào dịp cuối năm. Mặt hàng vàng được các nhà phân tích lĩnh vực này dự báo sẽ có đợt tăng vượt 1.875 USD/ounce, kích thích giá vàng hướng tới mốc 2.000 USD/ounce trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch SJC Phú Thọ cho rằng, ngưỡng cản 1.900 USD/ounce đang là thách thức với vàng trong thời gian từ nay đến hết năm 2021.

Rót tiền vào vàng - rủi ro khó lường

Tuy mặt hàng vàng được dự báo còn triển vọng đi lên, song thị trường vàng nội địa không được liên thông với thế giới, nên giá thường diễn biến trái chiều. Vàng trong nước duy trì mức cao hơn giá vàng thế giới 9 - 9,7 triệu đồng/lượng trong 3 - 4 tháng qua. Trong khi đó, giao dịch vàng ở thị trường nội địa khá ảm đảm trong thời gian giãn cách và kể cả khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Giá vàng trong nước đang đắt hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, nên hiện không phải thời điểm thích hợp để người dân mua tích trữ vàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, giao dịch vàng trong nước không mấy sôi động kể cả khi giá tăng, nhưng mức chênh lệch giữa vàng nội địa và giá quốc tế lại trên 9 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, ở giai đoạn hiện nay, nhu cầu vàng trong nước không cao, người dân không còn tích trữ vàng nhiều như trước. Trong khi đó, các nhà kinh doanh vàng lại niêm yết giá bán vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá quốc tế gần 10 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người dân và cả giới đầu tư mua vàng khó tránh được rủi ro, vì thực tế, nhiều thời điểm vàng trong nước ngược chiều với giá thế giới, do thị trường không được liên thông.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, giá vàng trong nước đang đắt hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, nên hiện không phải thời điểm thích hợp để người dân mua tích trữ vàng. Nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng cao, lên đến 700.000 - 1 triệu đồng/lượng, thì sẽ rất khó có lời, bởi vừa ra khỏi cửa hàng đã lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng. Thực tế, để giảm thiểu thua lỗ, các nhà kinh doanh vàng trong nước đã đẩy rủi ro cho người mua khi luôn niêm yết giá mua vào và bán ra với một khoảng cách khá xa.

Vì thế, theo ông Dũng Khánh, những người mua hiện nay chỉ là để đảm bảo giá trị đồng vốn, đa dạng hóa kênh đầu tư và phải có ý định dài hạn chờ cơ hội giá vàng tăng, thay vì lướt sóng. Lý do là, giá vàng thế giới nếu có tăng thì nhà đầu tư cũng không lời bao nhiêu, vì phải tăng nhiều mới có thể kéo giá vàng tại Việt Nam tăng theo.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Công ty SJC Phú Thọ cũng nhận định, vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 10 triệu đồng/lượng sẽ là rủi ro cho người mua vào thời điểm hiện nay, nhất là khi cung-cầu trong nước chưa phản ánh đúng thực tế của thị trường.

Thực tế cho thấy, trong khi vàng quốc tế tiếp tục đi lên, thì giá vàng miếng SJC giảm mạnh phiên đầu tuần này, sau khi tiến sát mức 61 triệu đồng/lượng. Người mua vàng miếng SJC hiện đứng trước rủi ro khi giá trong nước cao hơn quốc tế 9,5 triệu đồng/lượng.

Tin bài liên quan