Những trường hợp cấm của pháp luật
Theo Điều 126, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, những người quản trị, điều hành ngân hàng đều thuộc đối tượng cấm cấp tín dụng. Điều luật này không cho phép ngân hàng cấp tín dụng cho thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và một số chức danh tương đương khác. Thậm chí, cha, mẹ, vợ, chồng, con của họ cũng bị cấm. Việc cấp tín dụng dựa trên tài sản bảo đảm của những người này cũng tuyệt nhiên cấm.
Mục đích của việc đặt ra những quy định này là khá rõ ràng. NHNN muốn hướng tới việc ngăn ngừa xung đột lợi ích trong tổ chức tín dụng. Các quy định sẽ không cho phép giới chủ ngân hàng, người quản trị, điều hành ngân hàng có thể lợi dụng quan hệ tín dụng để tư lợi, chiếm đoạt vốn và tài sản của ngân hàng.
Các trường hợp cấm đã được cụ thể hóa tại hầu hết các văn bản quy định về nghiệp vụ cho vay của chính NHNN qua từng thời kỳ.
Có cần thiết phải cấm?
Khoản nợ xấu của khách hàng cá nhân thường phát sinh từ năng lực tài chính của khách hàng. Tạm gác quy định cấm của pháp luật sang một bên và xem xét việc cấp tín dụng cho những người quản trị, điều hành ngân hàng trong tư cách của khách hàng, chúng ta thấy, các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, thành viên ban kiểm soát ngân hàng thường có năng lực tài chính rất vững chắc. Họ thường là những người có thu nhập cao trong xã hội.
Những khoản vay đến một giới hạn nhất định, giả sử chỉ bằng 1/10 thu nhập của họ, thì không có bất kỳ lý do gì lại nằm ngoài năng lực tài chính trả nợ. Nếu không bị cấm vay vốn, họ sẽ là những khách hàng an toàn và mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng. Từ quy định cấm của pháp luật, ngân hàng mất đi bao nhiêu khách hàng tốt?
Một căn biệt thự đầy đủ giấy tờ với giá trị hàng chục tỷ đồng, một khối lượng cổ phiếu niêm yết sẵn sàng thanh khoản với giá bán cả trăm tỷ đồng, chúng đều có thể trở thành những tài sản bảo đảm giá trị cao của ngân hàng. Có những khoản vay, mặc dù những tài sản tương tự như trên sẵn sàng được dùng để bảo đảm, nhưng ngân hàng không thể nhận.
Ngân hàng đành chấp nhận rủi ro cho vay tín chấp đối với một khách hàng nào đó, chỉ vì tài sản bảo đảm rất có giá trị nhưng thuộc sở hữu của người bị cấm cấp tín dụng. Cũng bởi quy định ngân hàng không được cho vay trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm của đối tượng bị cấm cấp tín dụng vẫn đang tồn tại.
Trong quãng thời gian qua, ngành ngân hàng tăng trưởng rất nhanh trong lĩnh vực áp dụng công nghệ gắn với các sản phẩm dịch vụ tiện ích của mình. Thẻ tín dụng là một ví dụ. Có những vị chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng đầu tư thời gian cả năm trời, đi sớm về muộn chỉ để tập trung cho một dự án tạo nên tấm thẻ tín dụng đầy tiện ích.
Nghịch lý ở chỗ, sau khi dự án hoàn thành, họ không được phép thụ hưởng thành quả tuyệt vời của ngân hàng mình mà phải ngậm ngùi dùng thẻ tín dụng của ngân hàng khác. Cũng bởi các quy định cấm đoán nêu trên còn tồn tại.
Vốn dĩ, nền tảng của tín dụng là xác định năng lực tài chính của khách hàng. Trong một hội thảo về tín dụng, một chuyên gia tài chính ngân hàng của Ấn Độ cho biết, pháp luật của Ấn Độ không hề cấm thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành vay vốn tại ngân hàng. Việc cho vay dựa trên yếu tố xác định rủi ro từ năng lực tài chính của khách hàng. Pháp luật của nhiều quốc gia khác cũng quy định tương tự. Vậy tại sao chúng ta đưa ra quy định này?
Thực tế từ những vụ khủng hoảng tín dụng liên quan đến người quản trị, điều hành xảy ra thời gian qua, các quy định cấm đoán trên cho thấy không hữu hiệu. Hàng loạt đại án xảy với thiệt hại cả trăm, nghìn tỷ đồng liên quan đến nhiều vị trí chủ chốt ở các ngân hàng, nhưng xét về pháp lý đều không sai phạm trực tiếp các quy định cấm nêu trên.
Điều gì đã bị vi phạm về xung đột lợi ích trong các vụ khủng hoảng của nhiều ngân hàng? Đó chính là sự thiếu tôn trọng những chuẩn mực ứng xử đạo đức nghề nghiệp, những nguyên tắc pháp lý phòng ngừa xung đột lợi ích, cộng thêm sự thiếu hụt trong khâu giám sát, ngăn ngừa, cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Vậy suy cho cùng, quy định cấm cấp tín dụng đối với những người quản lý điều hành ngân hàng có nên tồn tại?