Cùng với các nấc thang phát triển của kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường, hình thức và phương thức thanh toán cũng thay đổi theo. Trung gian cho sự trao đổi đều được gọi là “tiền”, từ những hình thức đơn giản như vỏ sò, mảnh xương thú được đổi thành tiền kim loại từ đồng, vàng, bạc…, rồi lên một nấc thang cao hơn nữa là tiền giấy.
Những đồng tiền làm bằng giấy ghi nhận đầu tiên trên thế giới là tại Trung Quốc (thời Đường, thế kỷ thứ VII), còn tại Việt Nam là thời nhà Hồ (thế kỷ thứ XV), cách đây 600 năm. Tiền giấy và tiền kim loại trải qua năm tháng phát triển vẫn đang song hành được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng tương lai có thể còn rất ngắn.
Sự phát triển của cách mạng số mang đến một dự báo rằng, tiền giấy sẽ sớm hoàn thành sứ mệnh lịch sử và thay thế vào đó là tiền số, tiền điện tử.
Quá trình định hình vẫn đang tiếp diễn nên chưa có định nghĩa thống nhất về loại tiền thế hệ mới này, dù vậy vẫn có một điểm chung, tiền sẽ xuất hiện với một hình thái phi vật chất, không giấy, không kim loại, và tiền chỉ là con số.
Thanh toán tại Việt Nam không nằm ngoài tiến trình phát triển đó, nhiệm vụ được đặt ra trước hết là phải giảm lượng thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế.
Cụ thể hóa yêu cầu này, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (Quyết định số 2545/QĐ-TTg) và tiếp đó năm 2018 là Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241/QĐ-TTg). Yêu cầu này tiếp tục được nhắc tới trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng tới năm 2030 và nhiều văn bản khác.
5 năm thực hiện Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại kết quả to lớn khi thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ hàng trăm phần trăm. Đặc biệt năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng với thanh toán điện tử thì đây lại là một thời cơ vàng.
Bỏ tiền mặt khỏi thanh toán, cái khó nhất được chỉ ra là sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tiền mặt được coi theo nghĩa đen “bẩn và không an toàn”, sự chuyển đổi sang thanh toán online của người dân có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Đơn giản là chuyển khoản khi vay mượn lẫn nhau, trả tiền mua hàng online, tới mức cao hơn đó là sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử, các app thanh toán… trong chi trả hàng hóa dịch vụ.
Người tiêu dùng đã sẵn sàng chuyển đổi, vấn đề còn lại là ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán phải mang tới sự thoải mái và thuận tiện cho người dân khi thanh toán phi tiền mặt. eKYC (định danh khách hàng điện tử) đã được phê duyệt, các công nghệ thanh toán như QR code, Mobile Money, không chạm (contacless)… liên tiếp được giới thiệu.
Cơ hội vàng cho một phương thức thanh toán mới dường như đang được Việt Nam tận dụng tốt.