Cơ hội và thách thức với Nhựa An Phát Xanh (AAA)

Cơ hội và thách thức với Nhựa An Phát Xanh (AAA)

(ĐTCK) Sau năm 2019 với lợi nhuận tăng cao, triển vọng kinh doanh của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) khó tránh khỏi khó khăn bởi dịch Covid-19. Ở ngưỡng giá 10.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, P/E của AAA giảm về mức 3 - 4 lần.

Năm 2019 tăng trưởng mạnh đến từ mảng khu công nghiệp

Kết thúc năm 2019, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của AAA cho biết, Công ty đạt 9.258 tỷ đồng doanh thu và 491 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mặc dù doanh thu tăng 15,56%, nhưng lợi nhuận tăng 131% so với năm 2018.

Hoạt động thương mại hạt nhựa tiếp tục là mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu năm 2019 của AAA với 4.512,4 tỷ đồng, chiếm 48,7%, tăng 8,6% so với năm 2018.

Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp giảm xuống 2,58%, từ mức 2,68% của năm 2018, chủ yếu do xu hướng giảm của giá hạt nhựa. Kết quả, lợi nhuận gộp chỉ tăng 4,6%, đạt 116,2 tỷ đồng và đóng góp 11,5% lợi nhuận gộp hợp nhất.

Với hoạt động sản xuất, bán bao bì nhựa, bột đá, phụ gia, doanh thu năm 2019 tăng 4,6% so với 2018, đạt 3.969,5 tỷ đồng.

Giá bán giảm, nhưng giá vốn giảm nhiều hơn (do giá hạt nhựa giảm), giúp biên lợi nhuận gộp đạt 15,6%, cao hơn mức 14,2% của năm 2018. Qua đó, lợi nhuận gộp tăng 14,87% và đóng góp 59,2% lợi nhuận gộp hợp nhất.

Bên cạnh các mảng kinh doanh truyền thống, năm 2019 ghi nhận sự đóng góp vào kết quả kinh doanh của AAA từ mảng khai thác khu công nghiệp sau khi Công ty mua lại Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark (được đổi tên thành Khu công nghiệp An Phát Complex) trong năm 2018.

Cụ thể, mảng khu công nghiệp đem về cho Công ty 706,8 tỷ đồng doanh thu. Dù chỉ chiếm 7,6% tổng doanh thu, nhưng với biên lợi nhuận cao, lên đến 44,5%, giúp mảng kinh doanh này đóng góp 29,6% lợi nhuận gộp.

Trong bối cảnh sức tăng trưởng của mảng thương mại và sản xuất khiêm tốn, cho thuê khu công nghiệp là điểm sáng đem đến tăng trưởng lợi nhuận cho AAA trong năm 2019, đồng thời giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất tăng lên 11,3% từ mức 8,4% của năm 2018.

Cơ cấu tài sản AAA cũng chuyển biến tích cực với nguồn tiền tích lũy gia tăng.

Tính đến cuối năm 2019, số dư tiền và tiền gửi các loại và đầu tư trái phiếu của AAA đạt 1.592 tỷ đồng, chiếm gần 1/5 tổng tài sản, tăng 178 tỷ đồng so với đầu năm và tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Ngoài xu hướng tăng về giá trị, sự chuyển dịch cơ cấu tiền gửi từ các khoản kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài hơn giúp thu nhập từ lãi tiền gửi tăng 3,1 lần trong năm 2019.

Tuy vậy, có một số điểm cần chú ý đối với cơ cấu tài sản, nguồn vốn của AAA. Cụ thể, các khoản mục tồn kho, phải thu tăng đáng kể trong năm qua, lần lượt là 28,9% và 41,6%.

Dù tỷ trọng trong tổng tài sản chưa quá lớn, nhưng giá trị tăng mạnh khiến vốn lưu động bị chiếm dụng đáng kể.

Công ty có 3.771,5 tỷ đồng vay nợ ngắn và dài hạn tính đến cuối năm 2019, chiếm 47% nguồn vốn. Chi phí tài chính phải trả trong năm là 267,7 tỷ đồng (trong đó có 225,4 tỷ đồng lãi vay, gấp 1,8 lần so với năm 2018).

Trong cơ cấu vay nợ của AAA, 50% dư nợ bằng ngoại tệ, chủ yếu là USD. Trong năm 2019, tỷ giá VND/USD ổn định, nhưng từ đầu năm 2020 đến ngày 26/3/2020, tỷ giá tăng 2,1%. Ðiều này dự báo sẽ làm tăng chi phí lỗ tỷ giá, trước mắt là trong quý đầu năm nay.

Bù lại, doanh thu xuất khẩu của AAA chiếm 50% tổng doanh thu, tương ứng 4.000 tỷ đồng/năm, được hưởng lợi khi tỷ giá tăng.

Năm 2020, nhận diện cơ hội và thách thức

Tại Ðại hội cổ đông thường niên 2020, AAA đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,01% và 12,01% so với năm 2019.

Ðầu năm 2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết được xem là một tin vui với AAA.

Phân tích của CTCK BSC cho biết, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm bao bì nhựa Việt Nam vào EU sẽ giảm từ 3% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (dự kiến cuối năm 2020), trong khi mức thuế hiện tại của Trung Quốc là 6,2%.

Châu Âu là thị trường đóng góp 50% doanh thu bao bì của AAA trong năm 2019, nên EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Công ty cải thiện lợi thế cạnh tranh và có thêm động lực tăng trưởng từ thị trường chính này (trước đây, sức tăng trưởng của AAA chủ yếu đến từ thị trường Nhật Bản và Mỹ).

Về giá nguyên vật liệu, việc các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đạt được đồng thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng mới cùng với dịch Covid-19 đã khiến giá dầu Brent và WTI giảm mạnh, xuống thấp hơn mức đáy đầu năm 2016.

Theo đó, giá các nguyên vật liệu nhựa như hạt PE được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp, tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận cho mảng sản xuất bao bì nhựa.

Tác động của dịch bệnh còn đem đến thuận lợi cho AAA khi hoạt động sản xuất, thương mại tại Trung Quốc bị đình trệ, trong khi đây là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều P/E nhất thế giới.

Sự gián đoạn sản xuất tại quốc gia này một mặt làm giảm nhu cầu hạt P/E toàn cầu và giảm giá nguyên liệu, mặt khác tạo điều kiện để AAA phát triển đơn hàng (nhiều doanh nghiệp đang tái cấu trúc các nhà cung cấp).

Việc dịch bệnh lan rộng và có xu hướng chưa được kiểm soát tại Mỹ và châu Âu cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng tiêu thụ bao bì của AAA, do đây là sản phẩm gắn liền với hoạt động tiêu dùng thiết yếu (chủ yếu dùng để đựng lương thực và rác).

Tuy nhiên, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu dự báo bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại. Phần lớn nguyên liệu hạt nhựa đầu vào của AAA được nhập khẩu, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên vật liệu của doanh nghiệp.

Áp lực cung cổ phiếu được giải tỏa

Trái ngược với lợi nhuận năm 2019 tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thị giá cổ phiếu AAA có xu hướng đi xuống.

Gần đây, giá cổ phiếu này dao động trên ngưỡng 10.000 đồng/cổ phiếu, giảm 18,5% so với đầu năm 2019 và giảm gần 60% so với đầu năm 2018 (giá đã điều chỉnh cổ tức).

Bên cạnh yếu tố thị trường chung gặp khó khăn khiến dòng tiền đầu tư ngập ngừng, một số ý kiến phân tích cho rằng, cổ phiếu AAA có sức ép về rủi ro pha loãng từ nguồn trái phiếu chuyển đổi.

Cụ thể, tháng 11/2018, AAA đã phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu kèm theo 4.000 chứng quyền và có khả năng chuyển đổi thành 40 triệu cổ phiếu, bắt đầu từ tháng 11/2019.

Lo ngại về áp lực cung được giải tỏa khi tháng 11/2019, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) mua lại 4.000 chứng quyền trên và tại Ðại hội đồng cổ đông 2020, AAA đã thông qua phương án cho phép APH nâng sở hữu tại Công ty lên tối đa 65% mà không thông qua chào mua công khai, đồng thời AAA sẽ mua lại 15% cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ.

Tại Ðại hội đồng cổ đông vừa qua, AAA đã thông qua phương án phát hành 50.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Thông thường, với các chương trình ESOP, mức giá chào bán thấp hơn nhiều thị giá. Tuy nhiên, năm nay, ESOP tại AAA có giá bán dự kiến 17.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 64% thị giá hiện tại.

Theo AAA, Công ty thử nghiệm hình thức ESOP có giá cao hơn giá thị trường với số lượng ít nhằm tránh rủi ro pha loãng cho cổ đông nói chung và Công ty mẹ APH nói riêng.

Ðược biết, năm 2018, AAA đã phát hành 4 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng phân nửa thị giá khi đó.

Năm 2019, AAA lên kế hoạch phát hành 8,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng do giá cổ phiếu có xu hướng giảm nên không thực hiện được và kế hoạch này bị hủy bỏ tại Ðại hội đồng cổ đông 2020.

Nhựa An Phát Xanh (AAA) quyết duy trì tăng trưởng

Ông Nguyễn Lê Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) chia sẻ, dịch bệnh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của AAA, cả tiêu cực và tích cực. Sản xuất bao bì là mảng chủ lực của Công ty, dự kiến duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 15% cho tới năm 2025. 

Cơ hội và thách thức với Nhựa An Phát Xanh (AAA)  ảnh 1

Ông Nguyễn Lê Trung.

Năm nay, AAA đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trên 10% so với năm ngoái. Cơ sở của kế hoạch này là gì và AAA dự kiến các mảng kinh doanh sẽ đóng góp như thế nào?

Dự kiến, doanh thu mảng sản xuất vẫn tăng trưởng 15% trong năm 2020 với sản lượng tăng 5% và biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện. Mảng kinh doanh bất động sản công nghiệp duy trì như năm 2019 khi dự án cho thuê Khu công nghiệp An Phát Complex được phủ kín 100%.

Tình hình dịch bệnh hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của AAA. Công ty có những giải pháp gì để vượt qua thách thức?

Dịch bệnh có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, cả tích cực và tiêu cực, tuy nhiên không quá đáng lo ngại.

Trong đó, việc các đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam là điểm tích cực và việc giao thương vận chuyển hàng chậm hơn tại các cảng châu Âu là điều cần tìm giải pháp khắc phục.

Trước tình hình này, Công ty nhận thấy đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Chúng tôi luôn đảm bảo tiến độ sản xuất, an toàn và chất lượng sản phẩm để giữ uy tín với khách hàng. Vượt qua giai đoạn này, cơ hội phát triển của AAA là khá lớn, chúng tôi sẽ có những khách hàng, đối tác thân thiết gắn bó dài lâu.

Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu bao bì lớn nhất của AAA, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, Công ty đánh giá như thế nào về khả năng gia tăng thị phần tại thị trường này?

Ðây chính là lợi thế. Dự kiến, vào cuối năm 2020, sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, thuế suất thấp đi sẽ giúp AAA có thêm thị phần và công tác bán hàng dễ dàng hơn.

AAA đang đầu tư vào khá nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác nhau, mảng kinh doanh/sản phẩm nào được định hướng trọng tâm đem lại động lực tăng trưởng cho Công ty trong những năm tới?

Hiện tại, Công ty xác định, sản xuất bao bì là mảng chủ lực, đặc biệt là bao bì sinh học phân hủy hoàn toàn. Mảng này dự kiến duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 15% cho tới năm 2025.

AAA có khoảng 50% dư nợ là các khoản vay ngoại tệ, chủ yếu bằng USD. Công ty có định hướng quản trị rủi ro tỷ giá như thế nào?

Doanh thu xuất khẩu của AAA chiếm 50% tổng doanh thu, vì vậy, tỷ giá tăng là có lợi hơn cho Công ty. Doanh thu xuất khẩu cao gấp 2 lần dư nợ vay ngoại tệ, nên AAA được hưởng lợi từ tỷ giá tăng.

Thị giá cổ phiếu AAA đã giảm mạnh trong 2 năm qua, dù doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh. Ông có chia sẻ gì với các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu?

Tuy thị giá cổ phiếu giảm, nhưng chúng tôi hiểu giá trị thực tế của Công ty. Ðó là lý do AAA có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ và APH mua lại 4.000 chứng quyền có giá chuyển đổi 14.000 đồng/cổ phiếu, dù giá thị trường thấp hơn.

Tin bài liên quan