Cơ hội tốt trên thị trường chứng khoán có thể vuột trôi

Cơ hội tốt trên thị trường chứng khoán có thể vuột trôi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Kỷ lục sinh ra để phá”, diễn biến thị trường tuần qua đúng như câu nói trên và nếu không có trục trặc hệ thống tại HOSE, có lẽ những con số vô tiền khoáng hậu trong ngành chứng khoán Việt Nam sẽ còn xuất hiện.

Sau hơn 1 tháng, câu chuyện nghẽn lệnh ở HOSE lại trở nên sôi sục. Nếu như 5 tháng trước, HOSE chỉ bị đơ vào phiên chiều thì đến những ngày đầu tháng 6 này, hệ thống “tạch” ngay từ phiên sáng. Tình trạng tệ đến nỗi phiên chiều 1/6, HOSE buộc phải dừng giao dịch chủ động, giá chốt phiên sáng là giá cuối cùng trong ngày.

Nhà đầu tư thì bức xúc vì liên tục rơi vào cảnh giao dịch kiểu bịt mắt dò đường. Trong nhiều phiên giao dịch, đặt lệnh xong phải tới 7-8 phút sau lệnh mới được gửi vào hệ thống, khi ấy giá khớp đã nhảy khác xa lệnh đặt của nhà đầu tư.

Cũng có rất nhiều trường hợp giá khớp đã tăng đến vài lai ở một mã chứng khoán, nhưng bảng điện HOSE vẫn hiển thị mức giá thấp, khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh “bán hớ”.

“Dữ liệu giá và dữ liệu tình trạng lệnh HOSE trả về rất chậm” là lý do được các CTCK đưa ra để giải thích. Nghịch lý hơn là CTCK còn khuyến cáo nhà đầu tư phải làm quen với diễn biến giao dịch mới, tức là phải canh me để nhận thông báo đột ngột bất cứ lúc nào theo tình trạng “hắt hơi, sổ mũi hoặc sốt cao của hệ thống”. Chẳng hạn như những thông báo, nhà đầu tư không được sửa, hủy lệnh trong phiên, rồi lại được sửa, hủy lệnh, hay hệ thống đơ không nhận lệnh…

Vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi tình trạng nghẽn lệnh trầm trọng tái diễn là khả năng các chỉ số chứng khoán, cũng như thị giá nhiều mã chứng khoán bị bóp méo thô thiển.

Chẳng hạn, khi HOSE đơ bảng, lệnh ở các CTCK lớn đa phần không được đẩy vào hệ thống, trong khi một số CTCK nhỏ chạy lệnh, chỉ cần 100 cổ phiếu khớp phiên ATC giá trần hoặc giá sàn có thể cũng là giá chốt của cả phiên, trong khi giá này không phản ánh đúng thị trường trong phiên.

Giá chốt cuối ngày của các mã chứng khoán được tính toán để ra chỉ số VN-Index, vì thế chỉ số cũng có thể rơi vào tình trạng bị bóp méo phi thị trường. Hoặc khi bảng điện đơ, hiển thị VN-Index tăng 7-8 điểm khiến nhiều nhà đầu tư vội vã đặt lệnh mua trong khi thực tế thị trường đã giảm 3 điểm trong phiên ngày 4/6.

Những nghịch lý của VN-Index cũng là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán tập trung phản ánh trong mục Tiêu điểm số báo này.

Dòng tiền đổ vào thị trường như thác lũ hay số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục trong tháng 5, lẽ ra là điều rất đáng mừng với ngành chứng khoán, bởi đó là cơ sở để thị trường vốn Việt Nam vốn ì ạch bấy lâu nay có điều kiện bứt phá, nhưng dường như nó đang được diễn giải theo hướng là căn nguyên khiến hệ thống giao dịch không chịu nổi.

Trong khi dẫu có tăng mạnh, lượng tài khoản nhà đầu tư hiện tại vẫn thấp hơn con số đưa ra tại Đề án cơ cấu lại TTCK đến năm 2020 và định hướng đến 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 2/2019, trong đó đặt ra mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt mức 3% dân số vào cuối năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Tính đến cuối tháng 2/2021, Việt Nam có gần 2,92 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương mục tiêu 3% dân số, tức là còn chậm hơn mục tiêu đặt ra trong đề án. Tính đến cuối tháng 5, TTCK Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,36% dân số Việt Nam, cũng không phải con số quá bất ngờ.

Tiền vào chứng khoán đem đến nhiều cái lợi, bên cạnh thuế, phí Nhà nước thu được, quá trình tái cơ cấu DNNN thuận lợi hơn, tiền thu về ngân sách qua cổ phần hóa, thoái vốn có thể tăng mạnh, doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn trung dài hạn để mở mang sản xuất kinh doanh, chính phủ kích hoạt được các nguồn vốn trong dân bấy lâu ngủ yên trong vàng hoặc đầu cơ đất.

Tiếc thay, cơ hội ấy rất có thể vuột khỏi tầm tay nếu những lời hứa chốt thời điểm chạy hệ thống mới vẫn "biến thiên" như sắc màu trên bảng điện.

Tin bài liên quan