Săn cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hấp dẫn
Sau khi hoàn thành vượt nhẹ kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm 2019, Tổng công ty Việt Thắng - CTCP (TVT) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 25%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu TVT được nhận 2.500 đồng. Ngày chốt danh sách là 1/4 và thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 25/6/2020.
Với 21 triệu cổ phiếu đang lưu hành, TVT sẽ dùng khoảng 52,5 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Nguồn tiền chi trả được đánh giá là đảm bảo khi tính đến cuối năm 2019, Công ty có 208,3 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các loại, trong đó có 54,5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.
Với thị giá cổ phiếu hiện ở mức 22.600 đồng/cổ phiếu, nếu nhà đầu tư mua tại thời điểm này sẽ có tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt 11%.
“Mức cổ tức tốt” không chỉ xét trên số tiền cổ tức mà doanh nghiệp chi trả, mà cần được đo lường bằng tỷ suất cổ tức trên thị giá.
Tỷ suất này là tốt nếu tối thiểu cao hơn lãi suất gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải có lịch sử trả cổ tức đều đặn nhiều năm và có kết quả kinh doanh tốt trong năm gần nhất để đảm bảo khả năng duy trì chính sách cổ tức.
Tại CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), năm 2019, Công ty đạt lợi nhuận vượt dự kiến, nên khả năng thực hiện kế hoạch trả cổ tức 12% tiền mặt đặt ra là khả thi.
Thị giá mã này hiện ở mức 7.600 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh theo đà suy thoái của thị trường. Theo đó, tỷ suất cổ tức trên thị giá lên đến 15,8%.
Một số cổ phiếu khác của “họ Becamex” như BCE của CTCP Xây dựng và giao thông Bình Dương, hay UDJ của CTCP Phát triển đô thị cũng đáng được xem xét nếu nhà đầu tư ưa thích đầu tư hưởng cổ tức.
Cụ thể, tại BCE, Công ty chi trả cổ tức từ 700 - 1.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2017 - 2019, tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt trên 10%/năm. Với UDJ, cổ tức tiền mặt từ 1.000 - 1.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất trên thị giá từ 15 - 20%/năm.
Trong khối doanh nghiệp ngành điện, nhiều công ty có tỷ suất cổ tức tiền mặt khá tốt, chẳng hạn CTCP Thủy điện Cần Ðơn (SJD).
Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt 2.300 đồng/cổ phiếu, so với thị giá hiện là 15.900 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức lên đến 14,9%.
CTCP Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đặt kế hoạch cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2019, trong khi thị giá hiện giảm chỉ còn 17.500 đồng/cổ phiếu. CTCP Thủy điện miền Nam (SHP), Thủy điện Thác Bà (TBC)… là những doanh nghiệp đem đến tỷ suất cổ tức từ 10 - 15%, khá hấp dẫn với mục tiêu đầu tư hưởng cổ tức.
Một số doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành dịch vụ hàng không, cung cấp nước hay bất động sản khu công nghiệp cũng thường xuyên duy trì được tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn, với tỷ suất tốt trên thị giá.
Ngày 10/3/2020, CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức đợt 1/2019 với mức trả 4.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thanh toán dự kiến là ngày 9/4/2020.
NCT là doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức tiền mặt tốt cho cổ đông khi năm 2018, tổng cổ tức tiền mặt mà cổ đông NCT nhận là 9.000 đồng/cổ phiếu, năm 2017 là 10.000 đồng/cổ phiếu, năm 2016 là 11.000 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá NCT là 53.100 đồng/cổ phiếu.
Trong nhóm khu công nghiệp, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) vừa công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó dự kiến dùng 67,6% tổng lợi nhuận chia cổ tức - tương ứng chi trả 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, NTC đã tạm ứng 5.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 12/2019. Năm 2018, tổng cổ tức cổ đông được nhận là 16.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất cổ tức trên thị giá NTC duy trì trên 10%/năm.
Trả cổ tức cao, không phải doanh nghiệp nào cũng tốt
Doanh nghiệp trả cổ tức cao là điều cổ đông nào cũng mong đợi, nhưng xét trong góc nhìn dài hạn thì hoạt động này cũng có những điểm bất lợi mà nhà đầu tư cần nhìn rõ trước khi quyết định rót vốn vào cổ phiếu loại này.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp được trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính, đã trích lập các quỹ và bù đắp đủ lỗ lũy kế, sau khi trả hết số cổ tức đã định vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ khác đến hạn.
Như vậy, những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao thường phải thuộc nhóm ngành có kết quả kinh doanh, nền tảng tài chính, dòng tiền tốt, chưa có kế hoạch đầu tư lớn, nhu cầu đầu tư chủ yếu là thay thế hoặc mở rộng ở quy mô vừa phải.
Tuy nhiên, bất lợi xuất hiện khi loại doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh bão hòa, tỷ lệ trả cổ tức và trích lập các quỹ chiếm phần lớn quỹ lợi nhuận làm ra, doanh nghiệp không có hoạt động đầu tư mới dẫn đến việc hạn chế về khả năng tăng trưởng.
Trên thị trường, loại cổ phiếu này thường khó tăng trưởng về thị giá.
Rủi ro hơn là nếu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức vì thế sẽ giảm xuống trong tương lai.
Ðây cũng là những yếu tố rất cần cân nhắc khi lựa chọn chiến lược đầu tư dài hạn theo dòng cổ tức.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức tốt qua nhiều năm, nhưng lại có thanh khoản thấp, do cổ đông chỉ có nắm giữ, không có giao dịch.
Chẳng hạn, cổ phiếu PTG của CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết có tỷ suất cổ tức trên thị giá rất cao, nhưng cổ phiếu không có thanh khoản, nhà đầu tư muốn mua không được, người muốn bán cũng chẳng dễ dàng bởi thị giá không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.
Với những doanh nghiệp loại này, việc giải ngân hay khi cần thoái vốn sẽ mất nhiều thời gian và cần sự kiên nhẫn, tương ứng dòng tiền đầu tư phải là nguồn dài hạn, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy.
Chọn doanh nghiệp có cổ tức ổn định hơn đột biến
Lựa chọn những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt tốt đã trở thành chiến lược được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Tuy vậy, việc doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức với tỷ suất hấp dẫn là chưa đủ, quan trọng hơn là khả năng duy trì việc trả cổ tức trong tương lai.
Với những doanh nghiệp bất ngờ trả đột biến trong 1 kỳ hay 1 năm sẽ không phù hợp với chiến lược này.
Năm 2019, CTCP Bến xe miền Tây (WCS) đã 2 lần chốt danh sách cổ đông trả cổ tức cho năm 2018 với tổng tỷ lệ 400% - tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 40.000 đồng cổ tức.
Việc chi trả cổ tức gấp 1,5 lần lợi nhuận làm ra trong năm được đánh giá chỉ là yếu tố đột biến sau nhiều năm WCS tích lũy lợi nhuận.
Những năm trước, WCS trả cổ tức thường chỉ 20% mệnh giá (2.000 đồng/cổ phần). Kế hoạch cổ tức năm 2019 mà Ðại hội đồng cổ đông đề ra cũng chỉ là “không thấp hơn 20%”, không hấp dẫn so với thị giá hiện là 165.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2018, CTCP Gemadept (GMD) đã chi trả cổ tức tiền mặt đột biến 95% mệnh giá (9.500 đồng/cổ phiếu) sau khi có lợi nhuận từ thoái vốn khỏi một số công ty con.
Năm 2015, CTCP Tập Ðoàn KiDo (KDC) chi cổ tức tiền mặt lên đến 200% mệnh giá nhờ nguồn tiền và lợi nhuận bán cổ phần tại nhà máy Bình Dương. Việc trả cổ tức cao đã không được GMD hay KDC duy trì trong năm tiếp theo.
Nếu như việc trả cổ tức đột biến như WCS khiến nguồn tiền dự trữ giảm mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu tài chính đóng góp vào lợi nhuận thì thậm chí tại một số doanh nghiệp trước khi thoái vốn nhà nước đã thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt đột biến trong khi tình hình kinh doanh khó khăn, dòng tiền thiếu hụt dẫn đến kết quả là phải vay nợ bù đắp làm bức tranh tài chính, kinh doanh xấu đi đáng kể.
Hệ quả, thị giá các cổ phiếu hầu như chỉ tăng vọt khi thông tin cổ tức đột biến được công bố và giảm sâu sau khi chi trả.
Những trường hợp này được đánh giá chỉ thích hợp với nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng theo tin cổ tức hoặc những nhà đầu tư đã mua vào và nắm giữ từ lâu trước đó. Nếu chỉ mua theo tin cổ tức đột biến nhưng lại nắm giữ dài hạn, nhà đầu tư thường gặp nhiều bất lợi.
Ðể đánh giá khả năng chi trả cổ tức của doanh nghiệp trong dài hạn, cần xem xét trên lịch sử chi trả cổ tức của doanh nghiệp và triển vọng lợi nhuận trong những năm tiếp theo.
Ðối với khả năng chi trả cổ tức trong năm 2020, ít nhất là cần xem xét tình hình thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2019, kế hoạch kinh doanh 2020 và dự kiến cổ tức đã đề ra.