Ông Trần Ngô Phúc Vũ

Ông Trần Ngô Phúc Vũ

Cơ hội tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm

(ĐTCK) Trao đổi với Báo ĐTCK, tân Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank), ông Trần Ngô Phúc Vũ cho rằng, việc ứ đọng vốn hiện nay là do sự tiếp cận giữa ngân hàng và DN chưa bắt nhịp được nhau, do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ hội tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm.

Ngân hàng thừa vốn, trong khi DN cho rằng khó vay. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Việc ứ đọng vốn hiện nay là do sự tiếp cận giữa ngân hàng và DN chưa bắt nhịp được nhau. Trong đó, nhiều DN đang có nhu cầu vốn, nhưng cũng không thể tiếp cận được vốn vay, do không đáp ứng được điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra. Bởi thị trường khó khăn, trong những năm qua, nhiều DN kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nên bị liệt vào nhóm khách hàng có nợ xấu, buộc ngân hàng phải thận trọng khi trao vốn. Thực tế hiện nay, các quy định về phân loại nợ khắt khe hơn, buộc ngân hàng trích lập dự phòng theo quy định, nên không thể không thận trọng trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng và rủi ro nợ xấu trước khi trao vốn.

 

Điều đó có nghĩa, cơ hội tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ rất ít, thưa ông?

Tôi cho rằng, khó khăn trong phát triển tín dụng hiện nay là khó khăn chung của thị trường. Nhưng trong cái khó đó vẫn có cơ hội nếu các ngân hàng biết cách nắm bắt. Kể cả với các ngân hàng TMCP nhỏ cũng có cơ hội để xoay chuyển trong phát triển tín dụng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải có định hướng và biết chọn thời điểm thích hợp. Chẳng hạn, trong bối cảnh thị trường của năm nay, ngân hàng nhỏ phải biết chọn lọc phân khúc khách hàng để phát triển dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Vả lại, trong những tháng đầu năm, các DN đang trong quá trình cơ cấu và xác định lại ngành nghề sẽ đẩy mạnh phát triển trong những năm tiếp theo. Do đó, cơ hội cho tăng trưởng dư nợ tín dụng trong các tháng cuối năm sẽ được cải thiện.

 

Trong khó khăn có cơ hội, với NamA Bank có áp lực tái cơ cấu và tăng trưởng?

Tuy là ngân hàng có quy mô vừa, nhưng vấn đề cốt lõi của NamA Bank chính là an toàn và tính minh bạch cao, vì có nền tảng vững chắc. Qua số liệu cũng cho thấy, trong những năm qua, các ngân hàng khác tăng trưởng mạnh, nhưng bên cạnh đó cũng có cái khó khi sự cố xảy ra. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc NamA Bank, tôi không cảm thấy áp lực quá nhiều. Mục tiêu của NamA Bank trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh phát chiến lược của HĐQT và Ban Tổng giám đốc đã đặt ra, đó chính là chiến lược bán lẻ và đảm bảo tính an toàn lên hàng đầu. Trong bối cảnh thị trường có khó khăn như hiện nay thì mục tiêu hàng đầu mà NamA Bank đặt ra chính là sự an toàn, chứ không thể kỳ vọng tăng trưởng mạnh lợi nhuận.

 

Vậy chỉ tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng năm nay liệu có đạt được, thưa ông?

Chỉ tiêu 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà Ngân hàng đặt ra cho năm nay là một thách thức đối với Ban điều hành, nhưng chúng tôi cố gắng để có thể hoàn thành. Quý I/2013, lợi nhuận của NamA Bank chưa đạt được kế hoạch đề ra và tăng trưởng tín dụng đang âm. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng của tín dụng trong những quý tiếp theo, nhất là những quý cuối năm.

 

Đẩy mạnh bán lẻ lúc này liệu có cạnh tranh được để thu hút khách hàng, thưa ông?

Đối với mục tiêu bán lẻ, NamA Bank tiếp tục củng cố bộ máy, sản phẩm và tập trung vào hệ thống phân phối. Đối tượng khách hàng NamA Bank nhắm đến trong phát triển sản phẩm bán lẻ là tập trung vốn cho các tiểu thương ở chợ, DN vừa và nhỏ… vay 10 tỷ đồng trở xuống, hộ gia đình dựa trên các sản phẩm truyền thống như: vay mua xe, du lịch, du học sinh, mua nhà, cho vay qua thẻ…, với các sản phẩm thực sự thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực của người dân.

Tuy nhiên, để cạnh tranh và thu hút được khách hàng trong bối cảnh có nhiều ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ, thì NamA Bank không cạnh tranh về giá, mà quan trọng là sản phẩm phải được thiết kế nhỏ gọn, thủ tục nhanh chóng. Hiện nay, TP. HCM vẫn là khu vực trọng yếu trong phát triển hoạt động của NamA Bank. Nhưng với chiến lược bán lẻ trong thời gian từ nay đến năm 2015, chúng tôi định hướng về khu vực nông thôn, trước hết sẽ đẩy mạnh phát triển ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Trong đó, chúng tôi chú trọng đến các khách hàng nhỏ lẻ, sản phẩm nhỏ gọn về thủ tục để giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng.

Vì thế, tôi cho rằng, không thể nói đến sau là chậm, mà tùy vào việc chọn lựa thời điểm và phát huy được thế mạnh của mình với chiến lược đúng đắn đã được vạch ra rõ ràng.