Cơ hội nào cho DN “tắc” nguồn thu?

Cơ hội nào cho DN “tắc” nguồn thu?

(ĐTCK) Nửa đầu năm, một số DN không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, dẫn đến thua lỗ, cổ phiếu bị cảnh báo… Cơ hội nào cho các DN này trong 6 tháng cuối năm?

Cơ hội nào cho DN “tắc” nguồn thu? ảnh 1SJS cho biết đang hoàn chỉnh thủ tục pháp lý các dự án, nên chưa ghi nhận doanh thu

6 tháng đầu năm, CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM) không có doanh thu, do phải tạm ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, dẫn đến cổ phiếu rơi vào diện bị cảnh báo. Không doanh thu trong quý II/2012 khiến CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) dù nỗ lực cắt giảm chi phí, nhưng vẫn bị thua lỗ. Còn CTCP Tài Nguyên (TNT), tuy ghi nhận doanh thu trong quý II/2012, nhưng nguồn thu này lại không đến từ mảng hoạt động chính.

 

TNT: Ít cơ hội trong mảng chính

Quý II/2012, TNT ghi nhận 32,4 tỷ đồng doanh thu, tăng so với cùng kỳ năm trước, cũng như so với quý I/2012. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, TNT mới đạt được 16,3% chỉ tiêu doanh thu cả năm. Thuyết minh báo cáo tài chính của TNT không nêu rõ cơ cấu doanh thu này đến từ đâu, nhưng theo giải trình của Công ty, nguồn thu này không đến từ các mảng hoạt động chính.

TNT là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong ngành khoáng sản và bất động sản. Năm 2009, nguồn thu đột biến của TNT là nhờ khoáng sản. Sau khi Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực, Nhà nước tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước kể từ ngày 30/8/2011. Với quyết định này, Công ty TNHH Tài nguyên và Khoáng sản Hà Nội - Điện Biên (công ty 100% vốn của TNT) chuyên về khai thác, chế biến chì, kẽm, đã phải tạm dừng hoạt động. TNT mất đi nguồn thu chính kể từ ngày 30/8/2011. Ngày 29/12/2011, TNT quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại công ty con này.

Việc tạm dừng hoạt động cũng diễn ra ở CTCP Đầu tư tài nguyên Đất Việt từ ngày 1/3/2012. Đây là đơn vị mà TNT góp 30% vốn nhằm khai thác titan tại Bình Định. TNT cũng khó hy vọng vào khoản đầu tư dạng liên doanh liên kết để khai thác khoáng sản ở CTCP Phú Hà Hòa Bình (TNT góp 38% vốn). Rõ ràng, cánh cửa doanh thu của TNT trong lĩnh vực khai khoáng gần như đã “tắc”.

Với lĩnh vực bất động sản, cơ hội có doanh thu của TNT cũng mong manh. Đã có nhiều trục trặc xảy ra ở Dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Nhân Chính - Thanh Xuân (Hà Nội) - nơi TNT góp 25% vốn. Đến nay, dự án mới chỉ đang thi công phần móng. Dự án Khu đô thị Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) thì đang chờ xét duyệt quy hoạch 1/500. Riêng Dự án Khu đô thị Tài Nguyên EcoCity cũng chỉ mới được chấp nhận quy hoạch 1/500 cuối năm ngoái. TNT cần phải đáp ứng điều kiện về vốn thì mới được cấp phép đầu tư, nhưng phương án gọi vốn thông qua phát hành thêm 21,5 triệu cổ phiếu nhằm huy động 205 tỷ đồng của TNT khó khả thi, khi lượng cổ phiếu dự kiến chào bán quá lớn (gấp 2,53 lần so với lượng cổ phiếu hiện có) và giá bán đưa ra quá cao (10.000 đồng/CP so với giá thị trường 4.000 đồng/CP - ngày 2/8).

 

BGM: Tùy tiến độ khắc phục sự cố ở nhà máy

Trong hai quý đầu năm, BGM không ghi nhận doanh thu thuần. Theo giải trình từ Công ty, do dây chuyền sản xuất tại nhà máy gặp trục trặc, không thể vận hành và sản xuất, nên BGM phải tạm dừng hoạt động nhà máy.

Lãnh đạo BGM chia sẻ, Công ty không có hoạt động kinh doanh ngành nào khác, nên sự cố ở nhà máy khiến Công ty không có doanh thu. Nhà máy được đưa vào vận hành từ cuối năm 2010, công suất ban đầu là 30 - 40% công suất thiết kế, nhưng đến quý IV/2011 thì trục trặc. Từ đó đến nay, việc khắc phục sự cố vẫn chưa hoàn tất và nhà máy chưa đủ điều kiện để sản xuất.

Nhìn vào danh mục đầu tư chi tiết tài sản cố định, BGM đã dành hơn 146 tỷ đồng cho đầu tư nhà máy. Trong đó, đầu tư cho nhà cửa, kiến trúc là 130,3 tỷ đồng. Máy móc, thiết bị và các dụng cụ khác chỉ chiếm khoảng 16 tỷ đồng. Khi sự cố máy móc, thiết bị ở nhà máy xảy ra, BGM không ghi nhận khoản đầu tư mới nào (theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ mới đây của Công ty).

 

SJS và THV cũng đang căng thẳng

Căng thẳng cũng đang xảy ra với SJS và CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), khi quý II/2012, SJS bị âm trong doanh thu thuần, còn THV chỉ ghi nhận được 406 triệu đồng doanh thu. Trong các giải trình trước đó, SJS cho biết, Công ty đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản, nên chưa kinh doanh và chưa ghi nhận doanh thu. Với THV, việc phải tập trung giải quyết nợ nần và sự suy giảm về uy tín đã khiến kinh doanh của THV ngày càng sa sút. Trong bối cảnh hiện tại, thoát khỏi những trở ngại này là không hề dễ dàng cho THV và SJS.