Cùng với yếu tố vĩ mô, kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng và hệ thống giao dịch mới sẽ giúp thị trường chứng khoán 2022 tiếp tục thăng hoa.

Cùng với yếu tố vĩ mô, kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng và hệ thống giao dịch mới sẽ giúp thị trường chứng khoán 2022 tiếp tục thăng hoa.

Cơ hội nào cho chứng khoán 2022?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng thời gian tươi đẹp của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp diễn với động lực là đà hồi phục của nền kinh tế. Dù cơ hội và rủi ro luôn song hành, nhưng năm 2022, cơ hội sẽ lớn hơn.

Nâng hạng là hỗ trợ quan trọng

Đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã kéo dài gần 2 năm, cả chỉ số và thanh khoản liên tục thiết lập các kỷ lục mới. VN-Index hiện dao động quanh mốc đỉnh lịch sử 1.500 điểm, còn thanh khoản khoảng 1,2 - 1,5 tỷ USD/ngày, trong khi cách đây 18 tháng, con số này chỉ khoảng 150 - 250 triệu USD/ngày và VN-Index dưới 800 điểm.

Sự lên ngôi mạnh mẽ của dòng tiền đầu cơ trong tháng 11/2021 khiến nhiều ý kiến cho rằng, đây là tín hiệu cảnh báo thị trường “tăng nóng”, ở vùng đỉnh, nên động lực tăng trưởng của thị trường cho năm 2022 không còn nhiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quản lý quỹ và công ty chứng khoán đều có chung nhận định lạc quan về thị trường năm 2022, đến từ nền kinh tế tốt lên và câu chuyện nâng hạng thị trường.

Ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam bày tỏ sự lạc quan đáng kể với nhiều động lực thúc đẩy hiện nay, như tâm lý phấn khởi của nhà đầu tư, đi cùng các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế.

Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, Mirae Asset kỳ vọng, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán. Mặt khác, mặt bằng lãi suất thấp cũng giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.

“Đặc biệt, tiến trình thoái vốn nhà nước được thúc đẩy sẽ giúp thị trường hấp dẫn hơn”, ông Kyung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, người điều hành Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) thuộc VinaCapital nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các hoạt động đã được mở cửa lại, tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cao so với khu vực.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã có sự thích ứng đáng kể sau 2 năm sống chung với đại dịch, cộng thêm các gói kích thích, nên năm 2022, tổng quan nền kinh tế được nhận định sẽ tốt hơn và là động lực đi lên của thị trường chứng khoán.

Tương tự, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, thị trường Việt Nam không quá "nóng" và vẫn còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn.

Trên cơ sở định giá chỉ số P/E, dữ liệu của Bloomberg cho thấy, VN-Index ngày 6/12/2021 ở mức P/E trượt 12 tháng là 16,7 lần, thấp hơn so với P/E hồi đầu năm 2021 ở mức 17,3 lần. Định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2022 và 2023 lần lượt ở mức là 13,4 lần và 11,5 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,1 lần) - VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt 1.700 - 1.760 điểm trong năm 2022.

Thậm chí, các chuyên gia của Chứng khoán TP.HCM (HSC) còn dự báo, VN-Index có thể thiết lập đỉnh mới 1.800 điểm trong năm 2022; mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 ở mức 21,6% và P/E khoảng 13,4 lần - thấp hơn so với mức 14,8 lần của khu vực. Năm 2023, HSC dự báo, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 21,6% và P/E hạ xuống 10,9 lần.

Một yếu tố quan trọng khác, theo các chuyên gia, đó chính là thị trường chứng khoán Việt Nam đang đẩy mạnh có kế hoạch nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là cơ hội tốt khi môi trường lãi suất thấp và nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, hoặc có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

"Hy vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường MSCI FM (Frontier Markets) lên thị trường MSCI (Emerging Markets). Khi vào thị trường Emerging Markets, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay”, ông Andy Ho nhấn mạnh.

Về yếu tố lạm phát gia tăng - là mối e ngại hàng đầu của giới đầu tư, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa lạm phát cao, nhưng thế giới đang phải đối mặt, nên không thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

"Nếu áp lực lạm phát xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán. Tuy nhiên, áp lực này trước mắt chưa lớn, có thể vẫn còn tốt cho đến tháng 4/2022", ông Thành nói.

Các chuyên gia của HSC cũng dự báo, lạm phát vẫn ở dưới mức 4% trong năm 2022 - 2023 và Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2022. Ngoài ra, chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ nới lỏng thêm để hỗ trợ kinh tế và tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Cơ hội ở nhiều nhóm ngành

Các chuyên gia của VNDIRECT nhận định, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ đạt 23% trong năm 2022.

Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận là hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của dầu khí, tiện ích công cộng và công nghệ vẫn duy trì ở mức cao.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 có thể tăng 10 - 15%, được thúc đẩy bởi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục chảy vào chứng khoán, trong bối cảnh lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở vùng thấp lịch sử.

Ngoài ra, các tính năng mới dự kiến sẽ được triển khai nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về.

Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.

Đặc biệt, nếu hệ thống KRX đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022, thị trường có cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp FTSE trong đợt đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 9/2022.

Về các nhóm ngành, ngành hàng không với việc du lịch mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến được là ngành có nhiều triển vọng trong năm 2022. Bên cạnh đó, bà Trần Khánh Hiền cho biết, ngành ngân hàng cũng đang có mức định giá hấp dẫn khi đã điều chỉnh suốt nửa năm qua.

Lợi nhuận trong năm 2022 có thể giảm và rất khó tìm kiếm ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng 30% như năm 2021, nhưng đây là điều hợp lý, bởi ngân hàng chia sẻ một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và cũng cần cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Mirae Asset cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng. Sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tốc độ tiêm vắc-xin tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng với chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Mirae Asset dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần, dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.

Về các nhóm ngành, Mirae Asset phân loại các ngành ra thành 3 nhóm dựa trên tăng trưởng lợi nhuận gồm: duy trì đà tăng trưởng, giảm tốc và phục hồi.

Trong nhóm 1, các ngành dịch vụ tài chính, bất động sản, ngân hàng, phần mềm và dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022.

Nhóm 2, các ngành nguyên vật liệu, dầu khí, bảo hiểm và tiện ích dự kiến tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trong năm 2021. Nhóm 3, bao gồm các ngành vận tải, bán lẻ, y tế, xây dựng cơ bản, may mặc và trang sức, thực phẩm và đồ uống, ô tô và phụ tùng sẽ phục hồi khi nền kinh tế khởi động lại hoàn toàn.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thoái vốn nhà nước cũng là nhóm mà nhà đầu tư cần lưu ý. Cụ thể, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã xây dựng kế hoạch thoái vốn trong năm 2022 dự kiến tại 6 doanh nghiệp do SCIC quản lý, bao gồm SAB, FPT, BMI, NTP, VNR, ước tính thu về hơn 40.000 tỷ đồng.

Dù còn rủi ro về dịch bệnh, nhưng Mirae Asset cho rằng, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt.

Tin bài liên quan