Tại cuộc họp của UBCK với 40 công ty chứng khoán và 20 công ty quản lý quỹ ngày 4/3/2020, CEO MBS cho rằng, tất cả các tổ chức tài chính trung gian đều mong thị trường tốt, vì thế cần bình tĩnh ứng phó với đại dịch, cần suy nghĩ tích cực và lan tỏa suy nghĩ tích cực đến nhà đầu tư.

Tại cuộc họp của UBCK với 40 công ty chứng khoán và 20 công ty quản lý quỹ ngày 4/3/2020, CEO MBS cho rằng, tất cả các tổ chức tài chính trung gian đều mong thị trường tốt, vì thế cần bình tĩnh ứng phó với đại dịch, cần suy nghĩ tích cực và lan tỏa suy nghĩ tích cực đến nhà đầu tư.

Cơ hội mới sắp bắt đầu

(ĐTCK) Ông Trần Hải Hà, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, Việt Nam không phải là tâm dịch Covid-19, nhưng TTCK vẫn bị ảnh hưởng mạnh, “vùng trũng” có thể xuất hiện trong tháng 3 này, mở ra cơ hội đầu tư mới. 

TTCK Việt Nam là một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới do tác động từ đại dịch Covid-19. Theo ông, đây có phải là giai đoạn khó khăn nhất, thách thức nhất mà TTCK cũng như các nhà đầu tư từng trải qua?

Kể từ ngày 30/1/2020, dịch Covid-19 tác động rất mạnh lên diễn biến TTCK toàn cầu, tạo ra nhịp sụt giảm ở các thị trường chịu ảnh hưởng như Trung Quốc, nhiều thị trường châu Á khác và gần đây là Mỹ khi ảnh hưởng của dịch có xu hướng lan rộng.

Tuần qua, TTCK Mỹ có tuần giảm mạnh nhất kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính 2008, dòng tiền rút ra khỏi chứng khoán và đổ dồn vào các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu, USD…

Trong bối cảnh đó, kinh tế cũng như TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ trước sự gián đoạn sản xuất, suy giảm trong lĩnh vực hàng không và du lịch, xuất nhập khẩu.

Chỉ số VN-Index có lẽ đã phản ánh những rủi ro đó với mức giảm khoảng 10% kể từ sau Tết âm.

Tác động của dịch đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu khi hoạt động sản xuất của một loạt nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng.

Rủi ro suy giảm kinh tế được giới chuyên gia tính đến với mức giảm khoảng 2% dành cho GDP Trung Quốc khi dự báo tăng trưởng quý I chỉ ở mức 4% và các nước gắn chặt chẽ với chuỗi cung ứng này có thể suy giảm từ 0,5% đến trên 1% mức tăng GDP.

Các xáo trộn do dịch Covid-19 đang giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế ASEAN so với các khu vực khác.

Hiện tại là một trong những thời điểm mà rủi ro gia tăng trước các biến động khó dự đoán của dịch lên kinh tế và tâm lý đầu tư.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, tác động của dịch chỉ là tạm thời cho đến khi các quốc gia khống chế dịch thành công, hoạt động sản xuất được khôi phục, thị trường sẽ tạo ra cơ hội lớn với nhịp tăng giá sau đó như đã từng diễn ra sau dịch SARS năm 2003.

Ông từng chia sẻ, đại dịch nên được coi như phép thử cần thiết đối với sức chịu đựng của nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam và ở góc độ nào đó, đây có thể là tín hiệu tốt cho một sự xuất phát mới của TTCK. Tại ngưỡng VN-Index 880 điểm, liệu đây có được coi là điểm xuất phát mới của TTCK Việt Nam?

Ông Trần Hải Hà.

Tôi cho rằng, dịch Covid 19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng về tổng thể chỉ mang tính thời điểm và nền kinh tế Việt Nam đủ khả năng thích ứng và phục hồi nhanh chóng trở lại do Việt Nam không phải là tâm dịch.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam có thêm động lực tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, qua đó giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Về tính chu kỳ, giống như dịch SARS, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè và khả năng cao sẽ rơi vào tháng 6, tháng 7.

Tuy nhiên, TTCK thường phản ứng sớm hơn, do đó, kịch bản lạc quan là thị trường sẽ có đáy vào tháng 4, hoặc tháng 5.

Thị trường tháng 3 không nằm trong “tâm bão” ảnh hưởng, nhưng có thể sẽ là vùng trũng nhất trước khi thiết lập được vùng cân bằng mới.

Chưa thể nói cụ thể VN-Index sẽ tạo đáy ở vùng điểm nào, tuy nhiên, với mức P/E hiện tại của VN-Index ở mức rất hấp dẫn trong vòng 6 năm trở lại đây (12x), tôi cho rằng, diễn biến giảm điểm này là cơ hội cho một khởi đầu mới, với sự hồi phục từ 10 - 15% sau khi dịch được khống chế.

TTCK giảm đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư chịu chung áp lực suy giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí thua lỗ. Ở vị thế công ty chứng khoán lớn trên thị trường, kết nối gần trăm nghìn tài khoản khách hàng, MBS có sự chia sẻ, hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?

Trong bối cảnh thị trường suy giảm mạnh, MBS tập trung giữ kết nối và tư vấn cho khách hàng, nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư hoảng loạn.

Bên cạnh đó, MBS chăm sóc khách hàng bằng các sản phẩm như phái sinh và chứng quyền, giúp khách hàng có thể phòng hộ danh mục, cũng như tận dụng cơ hội để đón đầu khi thị trường ổn định trở lại.

Nhiều doanh nghiệp đang giãn, hoãn kế hoạch họp đại hội đồng cổ đông và tính toán điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2020. Tại MBS, kế hoạch kinh doanh 2020 được dự liệu như thế nào?

Ngoại trừ ảnh hưởng của Covid-19 thì kinh tế Việt Nam năm nay có nhiều điểm tích cực cho TTCK.

Thứ nhất là kế hoạch giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh bởi đã được Chính phủ đề ra từ đầu năm ngoái, nay có dịch Covid-19 thì khả năng càng làm nhanh mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một số dự án lớn sẽ được thực hiện ngay như sân bay Long Thành hay cao tốc Bắc Nam. Các doanh nghiệp thầu xây dựng sẽ có nhiều việc làm.

Thứ hai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chỉ còn chờ Quốc hội họp thông qua, sẽ kéo theo triển vọng tốt và hỗ trợ cho rất nhiều ngành từ xuất khẩu dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản…

Khi có hiệu lực, EVFTA ngay lập tức sẽ gỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài từ châu Âu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Nhìn thấy cơ hội trong thách thức, với giá trị cốt lõi “Sáng tạo đi kèm thực tiễn”, hoạt động kinh doanh của MBS hướng tới việc củng cố nền tảng, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững. Do đó, năm 2020, MBS đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tối thiểu 20% so với thực hiện năm 2019.

Trong lúc nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng gặp thách thức về tăng trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ thị trường. Theo ông, giải pháp thị trường cần hỗ trợ là gì?

Chúng tôi cho rằng, TTCK phản ánh sức khỏe và trạng thái của nền kinh tế, do đó, một nền kinh tế có các cân đối vĩ mô ổn định và triển vọng tăng trưởng cao sẽ là tiền đề để TTCK phát triển lành mạnh.

Để TTCK phát triển thì điều kiện tiên quyết là sự ổn định các cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá; tăng trưởng GDP được thúc đẩy thông qua các biện pháp cải cách, cơ cấu nền kinh tế; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và khuyến khích khu vực doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài.

Với TTCK nói riêng, thị trường cần bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững, gia tăng tính minh bạch, phát triển các sản phẩm mới nhằm xây dựng các lựa chọn đầu tư đa dạng, thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia.

Trên cơ sở đó, chúng tôi kỳ vọng, quá trình IPO, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, cần nhanh chóng triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường, đặc biệt là tăng cường tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc trong việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết, song song với việc triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường.

Tháng 3/2020, HNX tròn 15 năm hoạt động. Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả và tiềm năng phát triển của các thị trường đang được vận hành bởi HNX?

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của HNX trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam. Các thị trường đang được HNX vận hành đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đa dạng trong các kênh đầu tư, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.

Sàn giao dịch UPCoM cho thấy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều công ty đại chúng lên sàn.

Sản phẩm phái sinh cho thấy sự hữu dụng trong việc giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và gia tăng lợi nhuận khi dự phóng được biến động của chỉ số VN30.

TTCK phái sinh càng ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đây sẽ trở thành một công cụ đầu tư phổ biến trong tương lai.

Với thị trường trái phiếu chính phủ, quy mô và thanh khoản liên tục tăng trưởng, không ngừng phát triển cả về bề rộng và độ sâu, đóng góp quan trọng trong công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước và tạo thêm một kênh đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư.

Trong năm 2019, thanh khoản đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, cơ cấu nhà đầu tư có sự dịch chuyển rõ nét từ khối ngân hàng thương mại sang các đối tượng đa dạng hơn như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi đánh giá, các thị trường đang được vận hành bởi HNX sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TTCK Việt Nam những năm tới.

Tin bài liên quan