Dòng tiền chảy mạnh
Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, thể hiện ở số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 8/2021 đạt 120.506, tăng gần 16% so với tháng 7. Giá trị giao dịch chứng khoán bình quân trên 3 sàn trong tháng 8 đạt 29.030 tỷ đồng/phiên, tăng 17,3% so với tháng 7. Sang tháng 9, giá trị giao dịch bình quân duy trì ở mức cao, 27.980 tỷ đồng/phiên.
Đáng chú ý, nếu như trong nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hấp dẫn nhà đầu tư, thì trong gần hai tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ thu hút dòng tiền. Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, có 2 nguyên nhân chính.
Một là, trong những giai đoạn thị trường đi ngang, không rõ xu hướng như tháng 8 và nửa đầu tháng 9 vừa qua, cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không còn dễ dàng, nên dòng tiền đầu cơ tìm cơ hội ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Hai là, chỉ số P/E của nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ thấp hơn khoảng 15 - 30% so với nhóm VN30.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, trong thời gian tới, diễn biến giá cổ phiếu sẽ nghiêng về phân hóa mạnh trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ khó khăn hơn.
Theo đó, những mã đã tăng nóng mà không có thông tin hoặc kết quả kinh doanh tích cực hỗ trợ sẽ chịu áp lực chốt lời, nhưng những mã cơ bản tốt nếu điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn vẫn thu hút dòng tiền.
Nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục “làm mưa làm gió” trên thị trường, nhưng dòng tiền sẽ chọn lọc kỹ hơn, tập trung vào các mã dự kiến có kết quả kinh doanh quý III khả quan.
Hiện dòng tiền vẫn đang tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hơn là nhóm vốn hóa lớn. Sau chuỗi tăng giá của nhóm cổ phiếu “nhà Louis”, cũng như các mã vốn “nằm im” lâu nay như DLG, SJF, HNG, thì trong tuần qua, không ít mã vốn hóa vừa và nhỏ khác thu hút dòng tiền (ROS, FLC…).
Xu hướng này dự kiến sẽ sớm đảo ngược, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế dần quay trở lại tình trạng bình thường mới và kết quả kinh doanh quý III/2021 bắt đầu được công bố. Lịch sử cho thấy, sóng của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường không kéo dài, chủ yếu là lựa chọn thay thế nhóm vốn hóa lớn trong bối cảnh thị trường không rõ xu hướng.
Liên quan đến dòng tiền, nhóm tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đứng ngoài quan sát, khối ngoại sau vài phiên mua ròng lại tái diễn động thái bán ròng, nên dòng tiền cá nhân trong nước vốn đang chiếm ưu thế có thể tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, đối với chiến lược giao dịch ngắn hạn thì việc nhà đầu tư tìm đến những cổ phiếu mà lực mua chiếm ưu thế so với lực bán là hợp lý, bất kể lực mua đó đến từ các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức, trong nước hay nước ngoài.
Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, đặc biệt là vốn hóa nhỏ thường có rủi ro cao so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên có đánh giá đúng mức về mức độ rủi ro ở phân khúc đầu cơ để có sự phân bổ tỷ trọng đầu tư trong danh mục phù hợp.
Chọn lọc cơ hội
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III năm nay đang đến gần. Giới đầu tư sớm lường trước được bức tranh lợi nhuận kỳ này sẽ kém hơn so với hai quý đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, giãn cách xã hội và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tiền lớn nằm trong các tài khoản chứng khoán, chực chờ cơ hội để giải ngân, thì cổ phiếu của những doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh quý III khả quan được nhận định sẽ nằm trong danh mục của các nhà đầu tư nhiều hơn.
Theo ông Đinh Quang Hinh, đa số ngành nghề được dự báo có kết quả kinh doanh kém đi trong quý III/2021, nhưng vẫn sẽ có các ngành ghi nhận lợi nhuận tích cực do ít chịu tác động bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư và tận dụng được cơ hội hiện có như chứng khoán, thép, hóa chất, phân bón, cao su, đường. Lưu ý, giá cổ phiếu trên thị trường gần đây đã phần nào phản ánh trước kỳ vọng này.
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích SHS nhận định, một số ngành sẽ duy trì được kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2021 là cảng biển, thép, chứng khoán. Đối với nhóm cảng biển, mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7 và 8 tăng lần lượt 21,3% và 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 480,4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với nhóm ngành thép, tình hình tiêu thụ vẫn khả quan, tiếp nối đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép các loại trong tháng 7 đạt hơn 2,1 triệu tấn, tương đương tháng 6 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu VN-Index đủ lực để vượt lên trên 1.355 điểm, chỉ số có thể hướng lên 1.375 điểm, thậm chí là vùng 1.400 điểm sau đó.
Trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về giá trị so với tháng 7. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.
Với nhóm ngành chứng khoán, trong tháng 7 và 8, số lượng tài khoản mở mới đạt 222.000, gấp gần 4 lần cùng kỳ, giá trị giao dịch gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 9, lượng tài khoản mở mới cũng như thanh khoản trên thị trường chứng khoán tiếp tục tăng. Đây là nền tảng để kỳ vọng khối công ty chứng khoán ghi nhận lãi cao trong quý III/2021.
Theo các chuyên gia, cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán từ đầu năm 2021 đến nay vừa nhiều, vừa đa dạng, từ những ngành nghề cơ bản, thiết yếu như nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, thép, đến những ngành nghề ít hấp dẫn với lịch sử vận động “đi ngang nhiều năm” như than, mía đường, phân bón.
Cơ hội lan tỏa và tạo sức hút với các sóng ngành, sóng đầu tư công, sóng cổ phiếu có câu chuyện thâu tóm, thoái vốn, lợi nhuận đột biến… thay phiên nhau xuất hiện. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp và tác động mạnh hơn đến nền kinh tế, nhưng kênh chứng khoán vẫn thu hút dòng tiền và tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn.