Đối với một CTCK thì môi giới là mảng nghiệp vụ chủ chốt, do vậy, cũng đòi hỏi nhiều nhân sự nhất, nhưng đây cũng là khối nhân sự biến động lớn nhất.
Chính vì vậy, nhân sự CTCK luôn trong tình trạng thiếu những nhân sự có kinh nghiệm, có mối quan hệ để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư về công ty mình. Và trên thực tế, những môi giới chứng khoán (broker) kỳ cựu làm việc hiệu quả bằng 3, bằng 5, thậm chí gấp hơn hàng chục lần so với những broker mới vào nghề, những nhân vật này cũng được nhiều CTCK “trải thảm đỏ” mời về đầu quân.
Chính vì vậy, không lạ khi Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên thị trường hiện này đều đẩy mạnh tuyển nhân sự. Tính đến thời điểm cuối quý II/2015, VNDirect là CTCK có số nhân sự nhiều nhất cả nước với 688 nhân sự, riêng trong 2 quý đầu năm, VNDirect tuyển dụng 169 nhân sự, tăng 32% quân số so với đầu năm và công ty này vẫn đang tiếp tục tuyển dụng các vị trí môi giới. Chiến lược của VNDirect là tập trung vào nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thế nên, việc mở rộng mạng lưới nhân sự giúp VNDirect không ngừng tăng trưởng thị phần môi giới và duy trì đẩy mạnh chất lượng phân tích đầu tư, số lượng nhân viên tại VNDirect tính đến cuối quý III/2015 dự kiến sẽ nâng lên hơn 700 người.
Một số CTCK nằm trong Top 10 như CTCK ACB, CTCK Bảo Việt cũng cho biết, Công ty đang tìm các ứng viên cho vị trí môi giới, đặc biệt là ở khu vực TP. HCM. Một số lại ưu tiên tuyển dụng chuyên viên nghiên cứu, phân tích như CTCP Chứng khoán Maritime (MSI), CTCK An Bình (ABS) cũng đang tìm kiếm vị trí phân tích…
Một số CTCK khác như BSC, VPBS, FPTS cũng đang tuyển dụng và cơ cấu lại bộ phận phân tích. Theo lãnh đạo các CTCK thì ngoài đào tạo đội ngũ môi giới chuyên nghiệp có thể tư vấn cho khách, hiện các CTCK cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân tích báo cáo cung cấp cho khách hàng và PR ngoài thị trường…
Một số CTCK còn tìm kiếm các vị trí tổng giám đốc, phó tổng giám đốc nhưng chủ yếu là những CTCK có quy mô nhỏ như CTCK Tân Thời Đại đang tìm ứng viên Tổng giám đốc, CTCK APEC đang tuyển dụng vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc với mức lương “chiêu ngộ” đưa ra là 5.000 USD/tháng (tương đương gần 120 triệu/tháng).
Theo kế hoạch, TTCK phái sinh sẽ dự kiến thực hiện vào cuối năm 2016, tuy nhiên, nhiều CTCK đã bắt đầu tính đến việc tuyển dụng nhân sự cho mảng này ngay từ bây giờ. CTCK Sài Gòn liên tục đưa ra các thông báo tuyển dụng vị trí chuyên viên Dự án phát triển TTCK phái sinh để nghiên cứu thị trường chứng khoán phái sinh: sản phẩm, cách thức hoạt động, vận hành thị trường và hành lang pháp lý liên quan, đồng thời lên kế hoạch và xây dựng mô hình triển khai kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh cho Công ty.
Một số CTCK đủ điều kiện áp dụng khi TTCK phái sinh ra đời như HSC, BVSC… cũng đang chuẩn bị cho việc mở rộng khối nhân sự cho mảng mới này.
Cơ hội mở ra là vậy, nhưng áp lực đằng sau cũng rất lớn nên dễ hiểu nhân sự chứng khoán luôn biến động, nhảy từ CTCK này sang CTCK bởi làm việc ở môi trường chứng khoán rất khắc nghiệt. Mỗi CTCK đặt ra những yêu cầu khác nhau, thế nên dù làm ở vị trí nào thì đòi hỏi người làm chứng khoán đều phải có kinh nghiệm, am hiểu thị trường. Đặc biệt, đối với các vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường phái sinh, ngoài có kinh nghiệm, nhiều CTCK cũng yêu cầu các ứng viên phải tốt nghiệp đại học, cao học tài chính tại nước ngoài...
Bản thân lãnh đạo khối CTCK cũng thừa nhận, gần đây, việc tuyển dụng môi giới khá khó khăn, đặc biệt là những môi giới giỏi khi có nhiều cá nhân làm việc tốt, nhưng đã kinh doanh riêng bên ngoài, trong khi có những nhân sự đào tạo thêm 2,3 tháng nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu.
Dù thu nhập tương đối cao so với một số ngành nghề khác, nhưng nhiều CTCK vẫn ở tình trạng “khát” nhân sự chứng khoán, đặc biệt là vị trí môi giới. Bởi người trong cuộc, ứng viên cho vị trí broker cho rằng, thu nhập là vậy nhưng luôn phải chịu áp lực doanh số lớn, trong khi TTCK luôn bấp bênh.