Thanh khoản thị trường tuần qua có dấu hiệu sụt giảm.

Thanh khoản thị trường tuần qua có dấu hiệu sụt giảm.

Cơ hội kiếm lời khó khăn, nhưng không phải không còn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng khá nặng nề sau các phiên giảm mạnh. Cơ hội kiếm lời hiện nay khó khăn hơn, nhưng không phải không còn.

Đan xen những dấu hỏi

Sau phiên hồi kỹ thuật gần 34 điểm ngày 7/7/2021, thị trường chứng khoán liên tục rực đỏ. Chỉ số VN-Index mất 14 điểm trong phiên 8/7 và mất tiếp 27,54 điểm trong phiên 9/7, đóng cửa tuần qua ở mức 1.347,14 điểm.

Sáng tới phiên giao dịch đầu tuần mới (12/7), thị trường lại có phiên bán tháo trên diện rộng, có lúc giảm hơn 75 điểm xuống vùng 1.270 điểm trước khi hãm đà rơi nhờ lực cầu bắt đáy cuối phiên. Chốt phiên đầu tuần mới, VN-Index mất thêm 50,84 điểm (-3,77%) xuống 1.396,30 điểm.

Nhiều nhà đầu tư am hiểu thị trường chứng khoán nhận xét, lẽ ra thị trường điều chỉnh sớm hơn nếu không có sự hưng phấn quá mức của dòng tiền F0, việc mở lại margin của các công ty chứng khoán sau khi chốt xong số liệu quý II và kỳ vọng hệ thống giao dịch mới của sàn HOSE được đưa vào vận hành sẽ giúp thị trường “trôi chảy” hơn đã đẩy những lượng tiền cuối cùng vào thị trường.

Thực tế, thời gian qua, đã có những cảnh báo từ giới chuyên gia về việc thị trường chứng khoán tăng quá nóng và giá nhiều cổ phiếu không còn hấp dẫn. Đồng thời, cũng có nhiều tiếng nói cảnh báo về việc cần cẩn trọng hơn với diễn biến "rung lắc" của thị trường bắt đầu từ giai đoạn này trở đi.

Nhìn lại những thông tin liên quan đến giao dịch gần đây cho thấy, nhiều quỹ đầu tư đã có dấu hiệu bán ra để chốt lời, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 40.000 tỷ đồng.

Nhìn lại những thông tin liên quan đến giao dịch gần đây cho thấy, nhiều quỹ đầu tư đã có dấu hiệu bán ra để chốt lời.

Cổ đông nội bộ cũng công bố bán ra số lượng lớn cổ phiếu, trong khi nhiều doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ hoặc huy động hàng chục nghìn tỷ đồng qua việc phát hành thêm cổ phiếu... Thực tế này cho thấy, thị trường cần lượng tiền cực lớn để bổ sung cho lượng rút ra này và đó chủ yếu là dòng tiền cá nhân, trong đó chủ đạo là dòng tiền F0.

Anh Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường chứng khoán phân tích, dòng tiền F0 là dòng tiền chủ đạo góp phần đưa thị trường thăng hoa trong thời gian qua, nhưng chưa bao giờ có thể gọi là dòng tiền dẫn dắt thị trường. Trong một pha hưng phấn, dòng tiền F0 có thể rất hưng phấn, nhưng ngược lại, khi thị trường vào pha hoảng loạn thì các nhà đầu tư cũng hay có phản ứng quá đà.

Số tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm nay đã liên tục gia tăng, nhiều nhà đầu tư chưa từng chứng kiến cú sập mạnh của thị trường như hồi tháng 1 năm nay nên dễ bị hoảng loạn khi chứng kiến đà rơi của nhiều cổ phiếu trên sàn.

Ngoài sức mạnh của dòng tiền mới, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực của nhiều nhóm ngành, đặc biệt là ngân hàng, chứng khoán, thép đã giúp nhiều cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, anh Dũng cho rằng, nhà đầu tư cần nhìn xa hơn, đặt dấu hỏi liệu rằng các nhóm ngành đó, doanh nghiệp đó có duy trì mãi được các khoản lãi lớn.

“Chẳng lẽ ngành ngân hàng có lãi cao mãi hay sao, và có hợp lý không khi cả nền kinh tế tương lai gặp khó mà ngân hàng báo lãi lớn?”, anh Dũng nói.

Nhà đầu tư này cũng chỉ ra các yếu tố tiêu cực đang tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán, mà có lẽ tiêu cực nhất là việc sản xuất đình trệ do đại dịch bùng phát rộng hơn.

Công ty Chứng khoán HSC vừa xây dựng ba kịch bản cho chỉ số VN-Index vào cuối năm nay. Theo đó, kịch bản cơ sở, được đánh giá có xác suất 50% diễn ra là VN-Index giảm về quanh 1.300 điểm và đi ngang. Đây là kịch bản xây dựng trên giả định dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Kịch bản tiêu cực với xác suất 35% là VN-Index giảm về 1.200 điểm.

Đây là kịch bản xấu khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang quý IV và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Kịch bản tích cực, chỉ chiếm xác suất 15%, là VN-Index sớm tạo đáy và tăng trở lại, vượt 1.400 điểm và tiến tới 1.500 điểm. Theo HSC, kịch bản này khó xảy ra với bối cảnh hiện tại.

Cơ hội kiếm lời khó khăn hơn, nhưng không phải không còn

Trong tuần qua, thanh khoản trên sàn HOSE bình quân các phiên đạt mức trên 20.000 tỷ đồng, con số tích cực so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng so với những phiên giao dịch trên 30.000 tỷ đồng của giai đoạn thị trường hưng phấn, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống mới được đưa vào vận hành từ đầu tuần khá “mượt”, tình trạng tắc sàn nghẽn lệnh không còn xảy ra, có thể thấy rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Giai đoạn này, thông tin được giới đầu tư trông chờ nhất là kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp. Tuy vậy, trước khi các doanh nghiệp ra tin thì giá cổ phiếu đã vận động trước dựa theo các dự phóng định giá của nhà đầu tư, tức kỳ vọng cơ bản đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Việc lựa chọn cơ hội đầu tư ngày càng trở nên khó khăn.

Thừa nhận thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II phần nào đã phản ánh vào diễn biến tăng giá của nhiều cổ phiếu, song ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, dư địa tăng điểm của một số cổ phiếu triển vọng vẫn còn. Tuy nhiên, dòng tiền sẽ vẫn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu của các nhóm ngành nghề và kể cả trạng thái cung - cầu ở các cổ phiếu trong cùng một nhóm.

Nhìn ở giai đoạn từ nay đến cuối năm, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, dự báo lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên sàn HOSE tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 27%/năm trong giai đoạn 2021 - 2022, vượt trội so với mức 12% trong giai đoạn 2017 - 2020. Chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại mức P/E dự phóng 2021 là 16,5 lần, tương đối hấp dẫn so với mặc bằng chung trong khu vực.

Nhà đầu tư nên tranh thủ thực hiện tái cơ cấu danh mục, hạn chế margin.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Xét trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam, Singapore và Indonesia nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023, VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ giao dịch ở mức P/E 17,5 - 18 lần vào cuối năm 2021, tương đương với VN-Index là 1.400 - 1.450 điểm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán, VNDIRECT cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ có thời điểm chạm mức 1.500 điểm trong nửa cuối năm 2021.

Còn trong bối cảnh hiện tại, khuyến nghị được ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đưa ra, nhà đầu tư nên tranh thủ thực hiện tái cơ cấu danh mục, hạn chế margin, chuyển bớt dòng tiền sang các cổ phiếu của nhóm ngành chưa tăng giá nhiều thời gian qua và có yếu tố tiềm năng thu hút dòng tiền trong tương lai như năng lượng, vận tải, thủy sản, khoáng sản, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng...

Đặc biệt, trong những phiên tăng điểm, nhà đầu tư cần giảm bớt những mã tăng nóng thời gian qua và tăng cường mua vào những mã ở nhóm tiềm năng, có yếu tố phòng thủ tốt như trên.

Tin bài liên quan