Trong buổi chia sẻ thông tin với báo chí diễn ra sáng 6/2, ông Minh nhận định, điểm tích cực trong đợt điều chỉnh vừa qua là dù thị trường giảm điểm nhưng thanh khoản tăng.
Theo thống kê của Mirae Asset Việt Nam, phiên 30/1, thị trường giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng 29% so với tháng liền trước; ngày giảm thứ 2 thì khối lượng giao dịch tăng 50% và ngày thứ 3 thì tăng đến 68% so với tháng gần nhất. Điều này cho thấy, cứ có lực bán ra thì có dòng tiền chờ đợi ngoài thị trường “đỡ hết”.
Trong 3 phiên thị trường giảm mạnh, hầu hết các cổ phiếu, nhóm ngành đều mất giá, nhưng chỉ duy nhất có cổ phiếu nhóm ngành dược (khó đầu tư vì thanh khoản thấp, cơ cấu cổ đông cô đặc); dịch vụ và thiết bị y tế không giảm.
Đa số cổ phiếu các ngành khác đều giảm điểm, ngoại trừ dược và dịch vụ, thiết bị y tế
Quan điểm ông Minh cho rằng, có 2 ngành có thể lưu ý vì giảm mạnh trên 10% nhưng tiềm năng về dài hạn vẫn tốt. Cụ thể là bảo hiểm, trong bối cảnh diễn ra bệnh dịch thì nhu cầu mua bảo hiểm gia tăng, các công ty bảo hiểm sẽ có nhiều hợp đồng mới. Theo đó, sự sụt giảm của cổ phiếu nhóm này đang được ông Minh nhận định là cơ hội mua vào.
Ngành thứ 2 là cổ phiếu ngành điện nước, có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng trung và dài hạn thì đây là ngành cơ bản thiết yếu, nên dài hạn rất ổn định. Các cổ phiếu trong nhóm ngành này có thể là những cổ phiếu phòng thủ cho các biến động trên thị trường.
Ngoài ra ông Minh cho rằng, với cổ phiếu ngân hàng và công nghệ thông tin cũng có thể xem xét.
Đối với ngân hàng, năm 2020 vẫn được dự báo là có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất trên thị trường, cụ thể đến từ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng doanh thu từ các khoản phi truyền thống… đều tích cực và việc áp dụng chuẩn Baseal II thì khả năng tăng trưởng tín dụng là khả quan.
Đối với cổ phiếu công nghệ, giảm khoảng 9%, trong đó cổ phiếu quan tâm cụ thể là FPT. "Tốc độ tăng trưởng 2 con số của FPT vẫn có thể duy trì được trong các năm tiếp theo. Đây là cơ hội đầu tư”, ông Minh nhận định.
Chia sẻ thêm ý kiến, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở Mirae Asset Việt Nam cho biết, ngành hàng không cũng không tích cực trong nửa đầu năm 2020. Và ngành F&B cũng bị tác động, thể hiện rõ nhất là diễn biến giá cổ phiếu SAB và MSN.
Một quan ngại mà ông Tuấn nhấn mạnh là các quỹ phòng hộ (hedge fund) có dấu hiệu rút vốn ngắn hạn, trong vài phiên gần đây ước tính bán ròng khoảng hơn 400 tỷ đồng. Tổng áp lực lên thị trường đang theo chiều hướng cân bằng, nhưng nhìn xa hơn trong quý I/2020 thì nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng trên mức cân bằng chứ không nên quá lạc quan trong giai đoạn này.
Về yếu tố nền tảng, ông Trần Huy Đăng, Giám đốc vùng Khối môi giới CTCK Mirae Asset Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là điểm cốt lõi, GDP năm 2019 tăng trưởng gần 7% - mức tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực Asean. Thu hút dòng vốn nước ngoài vẫn ổn định, riêng về dòng vốn FII vẫn mua ròng 3 năm liên tiếp. Đặc biệt, yếu tố tỷ giá ổn định… cộng hưởng thêm các cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết, sự dịch chuyển nguồn lực từ Trung Quốc qua các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) vẫn tiếp tục; sở HOSE cũng đã đưa ra các chỉ số mới, tạo điều kiện phát triển thêm nhiều quỹ ETF mới.
Năm 2020, Mirae có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động IB và tự doanh (bao gồm chú trọng trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm về phái sinh, chứng quyền và rất quan tâm đến ETF).
Theo CEO Mirae Asset Việt Nam, dù ETF được quản lý bởi các Công ty quản lý quỹ nhưng cũng cần sự giúp sức tích cực từ các CTCK để môi giới khách hàng, cũng như đầu tư thì mới hoạt động mạnh được. Dự kiến của Mirae Asset Việt Nam cho sản phẩm ETF là mở rộng đầu tư ETF, có thể giữ vai trò “đứng giữa” mua ETF từ công ty quản lý quỹ và bán lại cho khách hàng.