Laptop phân khúc giá thấp “cháy hàng”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học áp dụng hình thức học trực tuyến, nhiều cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chế độ làm việc online, khiến nhu cầu về máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng tăng cao.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), quý III là cao điểm bán hàng máy tính xách tay, chủ yếu do có mùa tựu trường. Năm nay, nhằm phòng chống dịch bệnh, học sinh tại đa số tỉnh, thành phố phải học trực tuyến, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối học kỳ đầu tiên. Nhu cầu về máy tính xách tay theo đó bùng nổ.
Cả Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đều cho biết, nhu cầu về laptop từ tháng 8 đến nay tăng mạnh.
Cụ thể, trong tháng 8, doanh thu ngành hàng laptop của MWG tăng 150% so với các tháng bán hàng bình thường. Nửa đầu tháng 9, hai kênh bán lẻ bán được hơn 25.000 chiếc laptop, đạt doanh thu gần 450 tỷ đồng. Dự kiến, doanh thu của ngành hàng laptop trong tháng 9 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng bình thường.
“Mùa tựu trường năm nay, dự kiến doanh thu của ngành hàng laptop đạt gần 2.000 tỷ đồng, tương đương hơn 80.000 máy bán ra, gấp đôi cùng kỳ năm trước”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG nói.
DGW kỳ vọng, quý III/2021 sẽ đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng và lãi ròng 121 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 61% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện mặt hàng laptop đang khan hiếm nguồn cung, đặc biệt ở phân khúc giá thấp, do tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới.
“Cả MWG và FRT đều đang đối mặt với tình trạng khan hiếm laptop phân khúc giá thấp, do đó, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm giá cao hơn. Mặc dù gặp khó khăn về nguồn cung, chúng tôi tin rằng, các nhà phân phối laptop có vị thế tốt để hưởng lợi trực tiếp, vì nhu cầu bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng và chiến lược cao cấp của nhà sản xuất giúp mở rộng giá bán bình quân, hỗ trợ tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận”, ông Trần Đăng Mạnh, chuyên gia phân tích tại BVSC nhận định.
Điện thoại di động: Nhu cầu sẽ bùng nổ
Theo Hãng nghiên cứu thị trường CounterPoint, sản lượng tiêu thụ điện thoại di động của Việt Nam sẽ tăng do nhu cầu bị dồn nén trong giai đoạn giãn cách và người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh.
BVSC dự báo, thị trường điện thoại di động của Việt Nam sẽ tăng trưởng trong quý IV/2021, nhất là khi các thương hiệu tích cực ra mắt sản phẩm mới.
Apple vừa giới thiệu dòng sản phẩm iPhone 13, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Thông tin từ FPT Shop cho thấy, tính đến sáng 21/9, chưa đầy một tuần sau sự kiện ra mắt sản phẩm, đã có 4.000 khách hàng đăng ký mua iPhone 13 tại FPT Shop.
“Sau nhiều năm mở bán iPhone chính hãng tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy màu mới của iPhone luôn tạo ra sự hấp dẫn và nhu cầu cao trong việc lên đời. Ngoài iPhone 13 thì các sản phẩm mới như Apple Watch Series 7 và iPad Mini 2021 cũng rất ấn tượng, chắc chắn sẽ tạo nên một mùa mua sắm cuối năm sôi động”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông Di động, Hệ thống FPT Shop nói.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng giãn cách, dần mở lại các cửa hàng hiện hữu của các nhà bán lẻ lớn trên toàn quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy doanh số phục hồi.
Kể từ tháng 7/2020, Apple đã ký kết hợp tác với DGW, PET, Synnex FPT và Viettel để phân phối sản phẩm tại Việt Nam.
BVSC dự báo, năm 2021, PET có thể đạt 16.264 tỷ đồng doanh thu và 237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 21% và 72,6% so với năm 2020. Đối với DGW, năm 2021 có thể đạt doanh thu 19.866 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 488,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 58,5% và 83% so với năm 2020.