Ngân hàng sẵn sàng bắt nhịp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi. Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng sẵn sàng bắt nhịp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi. Ảnh: Dũng Minh

Cơ hội còn lớn cho ngân hàng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020 đã đi qua với kết quả “không đến nỗi nào” đối với ngành ngân hàng, tạo niềm tin vững bước trong năm 2021.

Nỗ lực vượt khó năm 2020

2020 được xem là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo định hướng của Chính phủ, ngay trong thời gian đầu Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm. Theo đó, mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống mức 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về 4,5%/năm.

Lãi suất giảm, thanh khoản ngân hàng dư thừa, nhưng do cầu vốn từ nền kinh tế yếu nên tín dụng tăng thấp trong nửa đầu năm 2020 và chỉ cải thiện hơn những tháng cuối năm. Tính đến ngày 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và cả năm 2020 ước tăng khoảng 11%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm khoảng 14%.

Tín dụng tăng chậm, song nợ xấu xẫn tăng. Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng từ tháng 8/2020 bắt đầu tăng lên hơn 2%, trong khi giai đoạn trước đó từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Còn theo số liệu từ các ngân hàng niêm yết, nợ xấu đã tăng khoảng 30% và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể ở mức 3% vào cuối năm 2020 và khả năng tăng thêm trong năm 2021 do tác động của nền kinh tế tới ngành ngân hàng có độ trễ.

Giới phân tích đánh giá, năm 2020 tuy là một năm khó khăn nhưng vẫn tạo cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chi phí vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm qua, lãi suất cho vay giảm 0,6-0,8%/năm và lãi suất huy động giảm 1,5-2,5%/năm so với năm 2019 cho thấy tốc độ giảm của lãi suất cho vay chưa tương ứng với huy động, song một số ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất huy động đặc biệt (kỳ hạn từ 13 tháng, số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên) làm cơ sở với lãi suất cho vay ở mức cao 7-8%/năm, nhờ đó mà tận dụng được nguồn vốn với chi phí thấp.

Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong năm 2020, nhờ điều chỉnh kịp thời chiến lược kinh doanh, hầu hết ngân hàng đều đã cải thiện được tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), cùng với sự gia tăng từ nguồn thu ngoài lãi đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Hiện chưa có kết quả cả năm, nhưng nhiều ngân hàng đã về đích lợi nhuận năm 2020 trước 1-2 tháng như MSB, ABBank, ACB, Sacombank, VIB…, thậm chí là 3 tháng như LienVietPostBank.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã ký hợp tác độc quyền bancassurance với các công ty bảo hiểm nhân thọ mang lại khoản phí trả trước (Upfront) dự kiến lên tới vài trăm triệu USD, đây được xem là “của để dành” cho các ngân hàng trong những năm tới.

Niềm tin vào năm 2021

Chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2021, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu là khoảng 12% và có thể tăng lên 13-14% tùy theo điều kiện thực tế của thị trường.

“Tất nhiên, đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc, mà là chỉ tiêu định hướng để điều hành chính sách tiền tệ”, ông Tú nói.

Theo giả định cơ sở, VNDirect kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch, sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong năm 2021.

Trên cơ sở đó, VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13-14%. Với kỳ vọng GDP năm 2020 và 2021 tăng lần lượt 2,8% và 7,1%, tỷ lệ tín dụng trên GDP sẽ tăng lên lần lượt 117% và 124% từ mức 110% năm 2019.

Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2021, biên lãi ròng của nhóm ngân hàng quy mô lớn sẽ chưa thể hồi phục hoàn toàn, trong đó 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank tiếp tục phải chịu áp lực giảm lãi suất đầu ra khi Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái thay đổi về chính sách điều hành. Theo dó, VCBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 11-12%.

Về phía ngân hàng, triển vọng chung của ngành trong năm nay được đánh giá tích cực. Ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho hay, dựa trên số liệu cập nhật cuối tháng 11/2020, khả năng ABBank sẽ vượt xa chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2020.

“Đây là một tín hiệu lạc quan, đặt nền móng tốt để ABBank bước sang năm 2021 với niềm tin mạnh mẽ rằng, mọi khó khăn trước mắt sẽ được chinh phục và một tâm thế sẵn sàng bắt nhịp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo cấp cao của ACB cho rằng, khó khăn của năm 2020 sẽ dần được khắc phục, đặc biệt khi hoạt động tín dụng đã tăng cao trở lại từ quý IV/2020. Năm 2021 được kỳ vọng cầu tín dụng cá nhân sẽ tăng mạnh, kéo tỷ lệ NIM tăng theo. Hoạt động kinh tế phục hồi và khả năng sinh lời của các ngân hàng có thể sẽ tạo ra đủ lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, giúp ổn định tỷ lệ vốn hóa.

Liên quan tới nợ xấu, Công ty Chứng khoán SSI đưa ra lưu ý, việc trích lập dự phòng cao sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ còn hiện hữu từ năm 2021 trở đi. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại...

Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dự báo đến cuối năm 2020 nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ ở mức 3% vào cuối năm 2020 và tăng lên 3,5-4% trong năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh được hết thực trạng nợ xấu tại các ngân hàng do quy định cơ cấu lại và được phép giữ nguyên nhóm nợ của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo số liệu mới nhất vào cuối tháng 12/202, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng.

“Để tránh rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại. Bởi nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực mà khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng rất mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp”, ông Lực nhấn mạnh.

Tại buổi tổng kết ngành ngân hàng tổ chức mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đúc rút các bài học kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương án cho giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng tại Nghị quyết của Chính phủ cũng như chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, nhất là với các khoản cho vay cũ, khoản cho vay trung - dài hạn.

Tin bài liên quan