Thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự điều chỉnh nhẹ sau tuyên bố của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng, chương trình cắt giảm danh mục trái phiếu sẽ bắt đầu từ tháng 10.
Điều này có nghĩa là Fed đang duy trì các bước đi như dự tính nhằm giảm nới lỏng tiền tệ, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng không đạt mục tiêu kỳ vọng.
Hiện tại, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,282%/ năm, kỳ hạn 30 năm tăng lên 2,817%/ năm. Mặc dù đã chạm tới mức cao nhất của tháng, lợi suất nhìn chung vẫn duy trì thấp hơn so với mức đỉnh cuối năm 2016. Song song với đó, giá trái phiếu có một tuần điều chỉnh mạnh và ngày càng kém hấp dẫn trong mối tương quan với các tài sản khác.
Tuần qua, cổ phiếu của các ngân hàng bật tăng cùng với lợi suất trái phiếu. Cần nói thêm rằng, giá cổ phiếu lĩnh vực tài chính và lợi suất trái phiếu đã thể hiện mối tương quan thuận chiều khá chặt chẽ kể từ sau chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump bởi kỳ vọng lợi suất tăng sẽ cải thiện các khoản đầu tư, chênh lệch cho vay so với huy động và tăng thanh khoản của thị trường tài chính do hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư và M&A.
Ngoài ra, các nhóm ngành nhạy cảm với tăng trưởng tiếp tục có màn biểu diễn tốt, bao gồm xây dựng nhà ở, công nghiệp, hàng hóa tiêu dùng lâu bền, công nghệ và vật liệu cơ bản.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu cũng có một tuần thuận lợi nhờ sức tăng của chứng khoán Đức và Pháp. Diễn biến này có được nhờ số liệu sản xuất PMI tháng 9 vượt kỳ vọng của giới phân tích và cao hơn số liệu tháng 8. Đồng thời, đà tăng của đồng euro so với USD đang chậm lại cũng góp phần giúp thị trường cổ phiếu nhẹ gánh hơn.
Tại thị trường châu Á, căng thẳng liên quan tới các vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên khiến cổ phiếu đứng giá, ngoại trừ thị trường Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 đã bật tăng 8,7% so với mức thấp nhất của tháng 9 theo sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật rằng sẽ giữ nguyên lãi suất, độc lập với quyết định của Fed, thậm chí có thể tăng cường nới lỏng tiền tệ để đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% năm nay.
Thị trường cổ phiếu khu vực Đông Nam Á đang tạm thời nghỉ ngơi sau chuỗi leo dốc mạnh, điển hình là Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Các thị trường trong khu vực đang được hưởng lợi từ dòng vốn quốc tế đổ vào nhóm thị trường mới nổi và cận biên.
Hiện tại, chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đã tăng khoảng 20% so với đầu năm và chưa có tín hiệu suy yếu nào đáng kể từ góc độ thanh khoản. Cổ phiếu tài chính, vật liệu cơ bản, bán lẻ và xây dựng là cốt lõi giúp thị trường duy trì xu hướng tăng giá.
Đứng ở góc độ đầu tư dài hạn, chúng tôi cho rằng, việc duy trì danh mục cổ phiếu bao gồm những nhóm ngành gắn chặt với tăng trưởng kinh tế như đề cập phía trên sẽ giúp nhà đầu tư chiến thắng thị trường.