Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. HCM đã xử cho nhóm cổ đông lớn của CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG) thắng kiện ông Nguyễn Quang Ninh, đại diện theo pháp luật của VMG. Phiên tòa kết thúc ngày 28/8/2012, nhưng sau hơn 5 tháng, ông Ninh vẫn không thực hiện bản án. Ngày 7/1/2013, Cục Thi hành án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức thi hành án đối với ông Ninh, nhưng ông này vắng mặt. Vì vậy, bản án hiện vẫn bị “treo”.
Cổ đông mòn mỏi chờ
Sự việc một nhóm cổ đông lớn của VMG kiện lãnh đạo công ty này về những sai phạm và gian dối trong quá trình điều hành và tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2011 đã được Báo Đầu tư ngày 14/2/2012 phản ánh trong bài viết: “Lãnh đạo cù nhầy, nhà đầu tư thiệt hại”.
Các nguyên đơn là cổ đông VMG đã kiện lãnh đạo Công ty cố tình triệu tập ĐHCĐ không đầy đủ. Họ còn cho rằng, giấy xác nhận tham dự Đại hội ngày 20/6/2011 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á là không hợp lệ, do không ghi rõ số cổ phần sở hữu hiện tại; Biên bản họp Đại hội ngày 28/6/2011 không được đa số cổ đông đồng ý thông qua, nhưng sau đó Chủ tịch và Thư ký Đại hội tự ý sửa biên bản là vi phạm pháp luật.
Tòa sơ thẩm ngày 18/4/2012 xử các nguyên đơn thắng kiện, nhưng lãnh đạo VMG kháng án. Tại Tòa phúc thẩm ngày 28/8/2012, do các bên đương sự đã không đưa thêm được chứng cứ nào mới, nên Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên bản án cũ, tức là chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn gồm bà Đỗ Thị Thanh Hương, ông Lê Quý Bình, ông Trần Minh Sơn, ông Nguyễn Văn Đạt và đại diện ủy quyền yêu cầu hủy Nghị quyết ĐHCĐ ngày 28/6/2011 của VMG để tiến hành Đại hội lại theo đúng quy định của pháp luật.
Những tưởng bản án đã khép lại chặng đường gần 2 năm mệt mỏi đòi quyền lợi của các cổ đông VMG, nhưng trên thực tế, việc thực hiện bản án lại rất khó khăn. Bởi lẽ, lãnh đạo VMG là ông Nguyễn Quang Ninh đã tỏ thái độ bất hợp tác. Cụ thể, ông Ninh từ chối yêu cầu triệu tập ĐHCĐ bất thường của nhóm cổ đông lớn sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thì ông Ninh ủy quyền tổ chức ĐHCĐ bất thường cho một người có tên Trần Quang Trung, nhưng ông Trung không tổ chức do “không biết tổ chức như thế nào”.
Trong khi đó, ông Ninh vẫn điều hành VMG, tức là vẫn nắm giữ quyền lực tại Công ty, nhưng từ chối trách nhiệm tổ chức ĐHCĐ. Điều làm cho các cổ đông sốt ruột là trong 3 năm 2010 - 2012, ông Ninh nắm quyền điều hành Công ty, VMG đã lỗ tổng cộng 61 tỷ đồng, cổ phiếu VMG đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy niêm yết.
Nhóm cổ đông lớn là nguyên đơn trong vụ kiện đã đầu tư khoảng 20% cổ phần của VMG và suốt 3 năm qua như ngồi trên đống lửa, “ngậm đắng nuốt cay” nhìn tài sản của mình mất dần giá trị.
Chiêu bài ủy quyền của lãnh đạo VMG
Lãnh đạo VMG mà người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Ninh, Tổng giám đốc luôn dùng chiêu bài ủy quyền để né tránh trách nhiệm. Người bị khởi kiện là ông Ninh, nhưng trong 3 phiên hòa giải do Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, ông Ninh đều không có mặt hoặc ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Tân Hoa (không nắm cổ phiếu nào) là tân Chủ tịch HĐQT VMG đã được bầu trong ĐHCĐ năm 2011 lần 3. Trong khi làm việc với các cơ quan chức năng và cổ đông theo ủy quyền của ông Ninh, bà Hoa đều từ chối trả lời các chất vấn về mọi vấn đề liên quan, với lý do mới nhậm chức. Sau vài tháng làm Chủ tịch VMG, hiện bà Hoa đã rời vị trí này, nên trong các văn bản phát đi từ Công ty, ông Ninh nhận luôn vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VMG!
Ông Trần Quang Trung (lề trái), người được ông Nguyễn Quang Ninh ủy quyền, nhiều
lần tự ý bỏ ra ngoài trong quá trình làm việc với đại diện Cục Thi hành án và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Trong buổi làm việc với đại diện Cục Thi hành án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ông Ninh tiếp tục ủy quyền cho ông Trần Quang Trung, cho dù theo quy định của pháp luật, hành vi của ông Ninh trong việc thi hành án là không được ủy quyền cho người khác. Khi các đại diện của buổi làm việc tiến hành lập biên bản thì ông Trung tự ý bỏ ra ngoài và không ký vào biên bản.
Không những không tiến hành ĐHCĐ bất thường theo yêu cầu của bản án, mà lãnh đạo VMG cũng không tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2012.
Ngày 7/1/2012, sau buổi làm việc không có kết quả, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa -ũng Tàu đã giao cho ông Trần Quang Trung Thông báo số 19/TB-CTHA yêu cầu trong vòng 30 ngày, HĐQT VMG phải tổ chức ĐHCĐ theo Khoản 1 và 2, Điều 97, Luật Doanh nghiệp và Khoản 1, Điều 13, Chương VI, Điều lệ Công ty. Nếu HĐQT không tổ chức ĐHCĐ sẽ phải bồi thường mọi thiệt hại phát sinh đối với Công ty và có thể bị xử lý hình sự theo Điểm b, Khoản 2, Điều 118, Luật Thi hành án dân sự 2008. Trong trường hợp HĐQT không tổ chức ĐHCĐ thì trong 30 ngày tiếp theo, Ban Kiểm soát VMG tiến hành tổ chức Đại hội.
Như vậy, việc thực thi công lý để đòi quyền lợi của nhóm cổ đông VMG lại tiếp tục bùng phát. Hơn 200 cổ đông của VMG bị “chôn” vốn trong gần 2 năm qua, với giá trị của cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí DN bị hủy niêm yết, nay đang nỗ lực đòi lại quyền cổ đông của mình. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.