Lợi nhuận quý I/2021 tăng vọt
Tuy còn khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song với việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các nhà băng được kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ đến hết năm 2021 và trích dự phòng trong 3 năm, đến hết năm 2023. Vì vậy, mục tiêu kinh doanh, nhất là lợi nhuận mà các ngân hàng đưa ra năm nay khá ấn tượng.
Cụ thể, SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 70% so với năm 2020. Tương tự, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng hơn 60% so với năm ngoái; mục tiêu của BIDV là tăng hơn 40%, SeABank tăng 40%, VIB tăng 30%...
Năm 2021, SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 70%. Tương tự, mục tiêu lợi nhuận của Eximbank tăng hơn 60%, BIDV tăng hơn 40%, SeABank tăng 40%, VIB tăng 30%...
Một số ngân hàng đã công bố ước tính lợi nhuận quý I/2021, tăng vọt so cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ tín dụng tăng, hưởng lợi khi lãi suất huy động giảm, biên lãi ròng (NIM) tăng. Chẳng hạn, VietinBank ước lãi 7.000 - 8.000 tỷ đồng, gấp 2,3 - 2,7 lần cùng kỳ; MB ước lãi gần 4.600 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ; Vietcombank lãi khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ; ACB, HDBank… cũng lãi cao.
Được biết, tín dụng trong quý đầu năm 2021 của SeABank tăng 14,3%, HDBank tăng 5,2%, ACB tăng 4%, Vietcombank tăng 3,69%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 của VIB là 31%, OCB là 23%, SeABank là 13%, MB từ 10 - 11%, Vietcombank là 10% và kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên 14%.
Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, Ngân hàng Nhà nước luôn thận trọng với tăng trưởng tín dụng, do đó giao chỉ tiêu tín dụng lần đầu khoảng 7 - 8% cho các ngân hàng.
Tùy vào tốc độ tăng trưởng thực tế, chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh. Trên cơ sở đa dạng hóa nguồn thu từ tín dụng, phí dịch vụ, tăng cường hàm lượng công nghệ vào sản phẩm, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 29% so với năm 2020, lên trên 7.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho rằng, hoạt động của các ngân hàng thương mại năm 2021 đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng có thách thức đan xen.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm lãi suất điều hành, vì lạm phát tính đến cuối năm 2020 chỉ là 0,19% so với cuối năm 2019. Các ngân hàng tiếp tục thực hiện chủ trương giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, giãn nợ cho khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19…
Ông Huy nhìn nhận, năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%, tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Định hướng này cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội cung cấp tín dụng đáng kể cho khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình để hỗ trợ kinh doanh cũng như gia tăng tiêu dùng.
Trong môi trường hoạt động đó, ACB tiếp tục thực thi chiến lược hoạt động 2019 - 2024 với tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tăng trưởng tổng thu nhập ở mức cao, đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất và có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 20%/năm trở lên.
Cổ đông lo nợ xấu, dự phòng cao
Mặc dù lợi nhuận quý I/2021 tăng, song với kế hoạch cả năm đầy tham vọng, không ít cổ đông ngân hàng băn khoăn về khả năng thực hiện khi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chịu tác động của dịch Covid-19, nợ xấu có nguy cơ tăng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, một số cổ đông ACB đặt câu hỏi, liệu Ngân hàng có kiểm soát được nợ xấu ở mức dưới 1% trong năm nay để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng?
Lãnh đạo ACB cho biết, quý I/2021, dịch bệnh tạm ổn, nhưng cũng không thể xác định được khi nào dịch sẽ hết. Vì thế, Ngân hàng sẽ chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng. Hoạt động cho vay và huy động trong quý đầu năm của ACB đảm bảo an toàn, nhưng rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động cho vay vẫn lớn, đòi hỏi tăng trích lập dự phòng, nhất là với khách hàng trong lĩnh vực du lịch, khách sạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đến hết quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu của ACB được kiểm soát dưới mức 1% và lợi nhuận khả quan nên Hội đồng quản trị và Ban điều hành tự tin với mục tiêu này cho cả năm 2021. Trước đó, Ngân hàng đã kiểm soát tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ở mức 0,6 - 0,7%.
Cổ đông BIDV cũng đặt câu hỏi với Ban điều hành rằng, động lực nào để Ngân hàng đạt được mục tiêu lợi nhuận năm 2021 ở mức 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40%, trong khi nợ xấu vẫn cao, đòi hỏi phải trích dự phòng rủi ro lớn.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ, trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%. Ngân hàng sẽ thúc đẩy các khoản thu phi lãi, tăng khoảng 16 - 17%, thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng còn là tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn (năm nay sẽ tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng lên tối thiểu 16%).
Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của BIDV năm nay là không quá 1,6% và trích lập dự phòng khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái, do môi trường bất định bởi Covid-19. Ngoài ra, Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã được sửa đổi, yêu cầu các khoản nợ cơ cấu phải trích dự phòng (năm ngoái chỉ ghi vào nợ nhóm 1 và thoái lãi dự thu).
Tuy vậy, quy định mới được nhận định không chỉ là tin vui cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục được gia hạn thời gian trả nợ, mà còn có tác động tích cực tới các ngân hàng, nhất là nhà băng có số dư nợ tái cơ cấu lớn.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, đồng thời giảm gánh nặng trích lập dự phòng cho các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021.
Đối với việc phân loại nợ, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, không phải áp dụng nguyên tắc phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Nhưng để tránh cú sốc “lợi nhuận” tại thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó trong thời hạn 3 năm.
Số tiền dự phòng phải trích bổ sung là số tiền chênh lệch giữa dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không tái cơ cấu và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng phải trích bổ sung, muộn nhất ngày 31/12/2021 và tăng lên tối thiểu 60% và 100% tại thời điểm cuối năm 2022 và 2023.