Nội dung này đã từng được xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 nhưng không được thông qua do tỷ lệ tán thành của các cổ đông không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến cổ đông sáng lập là GAS chỉ đạt 56,08%.
Theo tờ trình, PVG dự kiến phát hành riêng lẻ 8,78 triệu cổ phiếu cho GAS, giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp. Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ LPG.
Số cổ phần phát hành trong đợt này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2019 sau khi ĐHĐCĐ thông qua và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Sau phát hành, vốn điều lệ của PVG sẽ tăng từ 277 tỷ đồng lên 365 tỷ đồng, đồng thời, GAS nâng sở hữu tại PVG từ 35,88% lên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của PVG.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu PVG đang giao dịch quanh mức 8.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 20% so với giá chào bán. Với mức giá chào bán trên, để nắm cổ phần chi phối tại PVG, PVGas dự kiến phải chi ra khoảng 87,8 tỷ đồng.
Việc mua PVG chính là để thực hiện chiến lược đẩy mạnh mảng kinh doanh khí gas hóa lỏng LPG của GAS trong các năm gần đây.
PVG đặt mục tiêu trở thành đơn vị kinh doanh LPG hàng đầu ở khu vực miền Bắc, đến 2025 chiếm thị phần 32%. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng hệ thống bán lẻ trong khu vực thị trường miền Bắc. Giai đoạn 2016-2020, PVG đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 9% và giai đoạn 2021-2025 là 8%
Ý kiến của cổ đông nhỏ lẻ trước thềm ĐHCĐ bất thường
Một số cổ đông nhỏ lẻ đã liên hệ với báo Đầu tư chứng khoán và bày tỏ e ngại về việc sau khi GAS nắm cổ phần chi phối tại PVG thì khả năng tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ sẽ bị lấn án, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ.
Đồng thời, đặt ra câu hỏi vì sao lại chọn phương án phát hành riêng lẻ cho PVGas mà không phải là mua trực tiếp trên sàn hoặc thông qua đấu giá?
Về mức giá chào bán, nhóm cổ đông này cho rằng, thị giá PVG quanh mức 8.000 đồng/CP là chưa phản ánh hết giá trị và tiềm năng phát triển của PVG nên mức giá chào bán riêng lẻ cho PVGas là 10.000 đồng/CP là chưa có cơ sở! Ngoài ra, ấn định mức giá bán trong tờ trình nhưng lại không công bố cho các cổ đông về phương pháp xác định giá bán có xác nhận bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá.
Theo báo cáo tài chính quý III/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm, PVG đạt 2.984 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 89% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế gấp 1,7 lần so với số thực hiện 9 tháng đầu năm ngoái lên 8,4 tỷ đồng, qua đó cán đích lợi nhuận cả năm 2018. Tuy nhiên, con số này chưa thể khoả lấp cho những vấn đề nội tại của doanh nghiệp.
Ngoài các mặt hàng truyền thống, PVG cũng đã mở rộng sản phẩm mới là mặt hàng khí CNG. Tuy nhiên, mặt hàng này khi đưa vào kinh doanh đã không đạt được hiệu quả do đúng giai đoạn “vùng trũng” của giá dầu.
Thực chất, nếu xét về vị thế trong ngành thì PVG là doanh nghiệp đứng đầu thị trường khí đốt khu vực miền Bắc, xếp trên nhiều thương hiệu lớn khác như Gas Petrolimex, Giadinh Gas, Total Gas… Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của PVG lại tỏ ra lép vế hơn các đối thủ khác.
Chính vì vậy, nhóm cổ đông cho rằng, nếu PVGas nắm giữ 51% tại PVG thì có khả năng sẽ toàn quyền quyết định giá khí đầu vào và đầu ra, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của PVG trong tương lai với nhiều yếu tố khác nhau.