Với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu của cổ đông ngoại

Với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu của cổ đông ngoại

Cổ đông ngoại bảo hiểm: Thiếu thì mong, có thì... khổ!

(ĐTCK) Đối với các doanh nghiệp nói chung, hay doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, việc có cổ đông chiến lược nước ngoài phần nào thể hiện được cái “tầm” của doanh nghiệp, bởi cổ đông ngoại thường được gắn với sự bài bản, chuyên nghiệp…, song cũng vì thế mà doanh nghiệp nhiều phen “toát mồ hôi hột” để “chiều lòng” cổ đông này.

Theo đại diện của PJICO, nếu không có gì thay đổi thì đầu tháng 5 tới, PJICO sẽ có cổ đông chiến lược nước ngoài là Samsung Fire & Marie Insurance Co., Ltd (SFMI), một công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Hàn Quốc.

Tương tự, PVI cũng dự kiến bán thêm cổ phần cho cổ đông ngoại trong thời gian này... Hiện nay, ngoài PVI, trên thị trường còn nhiều DNBH phi nhân thọ-tái bảo hiểm có cổ đông chiến lược ngoại sở hữu lượng lớn cổ phần như Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, AAA, Vinare…

Có một điểm khá tương đồng tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ-tái bảo hiểm, đó là cổ đông chiến lược nước ngoài thường yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên lợi nhuận, thay vì tập trung tăng trưởng doanh thu. Để tối ưu hóa lợi nhuận, việc siết chặt chi phí là ưu tiên hàng đầu, bởi tại doanh nghiệp bảo hiểm, có những khoản chi phí mà doanh nghiệp không biết giải thích thế nào để cổ đông ngoại hiểu, chẳng hạn như chi phí đối ngoại, hoa hồng, chi lãi ngoài…

Đó cũng là lý do vì sao mà không ít doanh nghiệp bảo hiểm phải “khóc ròng” khi có cổ đông ngoại, bởi các loại chi phí như trên là “nguồn sống” của nhân sự bảo hiểm nên rất khó để cắt giảm, trong khi cổ đông ngoại thì gây sức ép về hiệu quả hoạt động.

“Chưa có cổ đông ngoại thì mong mỏi, đến khi có rồi mới thấy khổ, bởi họ luôn gây sức ép về lợi nhuận, trong khi không muốn chi nhiều. Cái họ cần là lợi nhuận, là cổ tức, nên doanh thu dù có tăng trưởng cao mấy thì họ cũng không ‘sướng’”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm than thở.

Tại BIC, ngay sau khi trở thành cổ đông chiến lược, Fairfax đã đưa ra chủ trương siết chặt doanh thu, khi “nói không” với những dịch vụ bảo hiểm có rủi ro cao, vốn là những dịch vụ đem lại nguồn doanh thu lớn. Cuối năm 2016, doanh thu của BIC chỉ tăng 13% so với năm 2015.

Với hoạt động đầu tư, Fairfax yêu cầu BIC chỉ tập trung vào đầu tư giá trị (chọn cổ phiếu tốt để mua và nắm giữ, hưởng cổ tức, chứ không giao dịch để ghi nhận lợi nhuận trong ngắn hạn). Kết thúc năm 2016, BIC ghi nhận 20,4 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư, giảm mạnh so với kế hoạch đề ra là 46 tỷ đồng.

"Hiện BIC đang góp 5% vốn, tương đương 50 tỷ đồng vào liên doanh BIDV-Metlife với kế hoạch lỗ dự kiến của liên doanh tới năm thứ 7. Vì vậy, FairFax yêu cầu BIC trích lập dự phòng khoản đầu tư này từ năm 2016 để đảm bảo năng lực tài chính hàng năm không bị ảnh hưởng khi BIDV-Metlife lỗ kỹ thuật tăng cao và đến kỳ cuối phải trích lập 100%. Riêng năm 2016, BIC trích lập khoản dự phòng đầu tư vào BIDV-Metlife là 16,9 tỷ đồng", ông Trần Lục Lang, Chủ tịch HĐQT BIC cho hay.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn chủ động thắt chặt sản phẩm heathcare, không hạ phí đối với sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bất chấp các doanh nghiệp khác trên thị trường cạnh tranh khá quyết liệt để gia tăng thị phần ở mảng dịch vụ được đánh giá mang lại doanh thu cao này…

Chặt chẽ, “khó tính” là như vậy, song cũng không thể phủ nhận những giá trị mà cổ đông ngoại mang lại, đặc biệt là những cổ đông có xuất thân là tập đoàn lớn và uy tín.

Tại PVI, sau khi có cổ đông chiến lược là HDI Global đến từ Đức vào năm 2012, hiện tỷ lệ sở hữu của cổ đông này tại PVI đã lên tới 49%. Sau 5 năm đồng hành, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI khẳng định: “HDI Global đã giúp PVI tăng đáng kể năng lực tài chính, thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững”.

Về phía HDI Global, trả lời câu hỏi của phóng viên rằng: “PVI có điểm nào khiến HDI Global không hài lòng, cần cải thiện trong thời gian tới?”, ông Ulrich Heinz Wollschlager, Giám đốc tài chính HDI Global cho biết là “rất hài lòng”.

Còn với BIC, với sự hiện diện của Fairfax, xếp hạng năng lực tài chính năm 2016 của Công ty đã có cải thiện rõ rệt, khi tổ chức A.M. Best nâng triển vọng của BIC lên “tích cực”, thay vì “ổn định” như năm 2015.

“Đây là kết quả từ việc tăng cường năng lực vốn hóa dựa trên rủi ro, tiếp tục duy trì tỷ lệ bồi thường thấp hơn mức bình quân thị trường và thu nhập ròng tăng trưởng đều trong 5 năm qua, sau khi có sự hợp tác và hỗ trợ  của cổ đông chiến lược nước ngoài…”, Chủ tịch BIC cho hay.            

Tin bài liên quan