Sacombank kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất tái cơ cấu để được chia cổ tức

Sacombank kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất tái cơ cấu để được chia cổ tức

Cổ đông ngân hàng yếu và đang tái cơ cấu kỳ vọng sẽ sớm nhận cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ đông nhiều ngân hàng yếu và các ngân hàng đang tái cơ cấu kỳ vọng tình hình cổ tức năm nay sẽ khác.

Tập trung nguồn lực tái cơ cấu

Cổ tức chưa khi nào hết nóng và là vấn đề được cổ đông quan tâm nhiều nhất trong các mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng. Bên cạnh những ngân hàng chia cổ tức cao thì ngược lại, không ít nhà băng nói “không” với cổ tức như Sacombank, SCB, DongA Bank, Saigonbank, VietA Bank, Eximbank...

Ông Nguyễn Khánh Toàn, cổ đông của một trong các ngân hàng trên chia sẻ: “Nhìn các ngân hàng khác chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền ở mức 10 - 15% đã thấy chạnh lòng, huống hồ còn chia 25 - 30% cổ tức bằng cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” đang tăng. Ngân hàng nơi tôi rót vốn cách đây 10 năm hiện chưa kết thúc quá trình tái cấu trúc nên cổ đông đến nay không nhận được đồng cổ tức nào, còn giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp”.

Ông Toàn cho biết, trong các kỳ họp đại hội đồng cổ đông, ông kiến nghị hội đồng quản trị về việc cần chia cổ tức 1 - 2% xem như an ủi cổ đông, song đều nhận được câu trả lời rằng, Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép, dù có nguồn thặng dư hơn 1.000 tỷ đồng. Bởi lẽ, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Tương tự, Sacombank nhiều năm qua không chia cổ tức, khiến một số cổ đông bức xúc, nhất là khi thấy nhiều ngân hàng khác chia cổ tức ở mức cao. Tại Đại hội đồng cổ đông 2020, có cổ đông kiến nghị, Ngân hàng không chia cổ tức nhiều thì cũng nên chia một ít, khoảng 2 - 5%.

Trả lời cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh cho hay, Ngân hàng không thể chia cổ tức, dù nguồn lợi nhuận giữ lại lên đến 4.000 - 4.500 tỷ đồng. Sacombank vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu kể từ sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) năm 2015. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các ngân hàng đang quá trình tái cơ cấu phải tập trung nguồn lực để thực hiện, không được chia cổ tức.

Năm nay, Sacombank tổ chức đại hội dự kiến ngày 23/4, tình hình liệu có thay đổi?!

Tương tự Sacombank, cổ đông của SCB cũng kỳ vọng tình hình thay đổi năm nay. Tại SCB, sau khi hợp nhất 3 tổ chức tín dụng (Ficombank, TinNghiaBank, SCB), kể từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu. Đầu tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tái cơ cấu giai đoạn hai của SCB nên nhà băng này vẫn chưa thể chia cổ tức cho cổ đông, dù nguồn lợi tức giữ lại đạt hơn 1.234 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận để lại trên 700 tỷ đồng và Quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỷ đồng.

Trích dự phòng, xử lý nợ xấu

Tính đến thời điểm này, SCB còn nắm giữ gần 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, song đã trích dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB đạt 14.000 tỷ đồng và Ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu để có thể sớm hoàn nhập dự phòng. Sau tái cấu trúc, cổ đông sẽ được nhận cổ tức.

Hiện tại, mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm 2021 bước vào giai đoạn cao điểm khi các nhà băng tranh thủ tổ chức đại hội để tránh nguy cơ không thể thực hiện nếu dịch bệnh Covid-19 tái phát. Đông đảo cổ đông, nhà đầu tư ngóng chờ thông tin từ hội đồng quản trị các nhà băng. Cổ tức, tăng vốn, chỉ tiêu kinh doanh, nợ xấu là những nội dung được quan tâm đặc biệt.

Nhiều cổ đông SCB, Sacombank, DongA Bank, Saigonbank, VietA Bank, Eximbank... chạnh lòng khi thấy ngân hàng khác trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu ở mức cao như ACB 30%, VIB 30%, OCB 25%...

Đáng chú ý, trong khi cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng vẫn đang dẫn dắt thị trường chứng khoán và không ít nhà băng trình đại hội thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức cao bằng cổ phiếu, thì cổ đông của một số ngân hàng khác tiếp tục trong tình trạng chờ đợi.

Đơn cử, cổ đông Eximbank từ nhiều năm nay không nhận được đồng cổ tức nào khi nhà băng này phải xử lý nợ xấu tồn đọng, trích dự phòng cho trái phiếu VAMC. Được biết, Eximbank có kế hoạch tăng cường công tác xử lý nợ và trích thêm dự phòng để có thể tất toán hết nợ VAMC ngay trong quý I/2021.

Theo lãnh đạo Eximbank, tác động của những hành động quyết liệt này một mặt có thể làm cho kết quả kinh doanh quý I/2021 không cao như kỳ vọng, nhưng khi đã xử lý dứt điểm nợ VAMC thì gánh nặng dự phòng phải trích hàng năm trước đây sẽ không còn, giúp lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng dự kiến đạt 2.150 tỷ đồng ngay trong năm 2021 và hứa hẹn tiếp tục cải thiện mạnh trong các năm tiếp theo.

Trước diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngành ngân hàng nói chung và Eximbank nói riêng, song ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng sẽ khống chế tỷ lệ nợ xấu không quá 2,5%.

Không chỉ với những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu không được chia cổ tức, mà trong bối cảnh khó khăn của thị trường do ảnh hưởng bởi Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt, tập trung nguồn lực giảm lãi suất.

Theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội đồng cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Tuy nhiên, do nhu cầu tăng vốn để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực tài chính theo tiêu chuẩn Basel II, nhiều nhà băng chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu như VIB chia 30%, OCB chia 25%, ACB chia 30%...

Tin bài liên quan