Thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao mang lại niềm vui cho cổ đông, nhà đầu tư

Thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao mang lại niềm vui cho cổ đông, nhà đầu tư

Cổ đông ngân hàng bớt “dằn vặt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong năm qua và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới khiến các cổ đông bớt “quay” lãnh đạo ngân hàng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cổ phiếu “vua” đồng loạt tăng giá

Còn nhớ Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) SHB năm ngoái, gần 2 tiếng đồng chất vấn HĐQT Ngân hàng, cổ đông khá gay gắt với câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vậy nhưng, năm nay, bầu không khí đại hội đã bớt căng thẳng, thậm chí còn khá vui vẻ với thông tin cổ đông thu lời lớn từ cổ phiếu của Ngân hàng.

Cổ đông 256 cho biết, rất vui vì giá cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua, tháng 1/2020 có 6.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến nay đã tăng lên vùng giá 27.000 đồng/cổ phiếu, quan trọng hơn, cổ đông này chia sẻ, đã chốt lời ở “mức đỉnh” 28.500 đồng/cổ phiếu và lời khoảng 28 tỷ đồng. Sau khi thông tin này được đưa ra, cả hội trường vỗ tay, khuôn mặt của các lãnh đạo SHB cũng dãn ra…

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB nói: “Những năm trước, có những cổ đông bày tỏ trăn trở về trách nhiệm của HĐQT Ngân hàng trong việc cải thiện thị giá cổ phiếu. Nay cổ phiếu SHB tăng giá chứng tỏ đã được thị trường quan tâm, khẳng định được giá trị của SHB trong hiện tại và tương lai”.

Song, cũng vì cổ phiếu tăng giá mạnh nên cổ đông quay sang chất vấn HĐQT SHB việc cổ tức được chia chưa tương xứng với đà tăng trưởng lợi nhuận. Thống kê cho thấy, trong năm 2020, thị giá cổ phiếu SHB đã tăng tới gần 218%, từ mức 5.350 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức 17.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm, trước khi tăng lên vùng giá27.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, tâm lý các cổ đông MSB cũng khá thoải mái khi cho biết, nhiều năm qua rất bức xúc về chuyện chia cổ tức và lên sàn, đến bây giờ MSB đã lên sàn, thị giá cổ phiếu cao, nên nhận cổ tức bằng cổ phiếu là niêm vui không nhỏ.

Hiện tại, thị giá MSB giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2020 (19.000 đồng/cổ phiếu) và tăng gần 47% so với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 22//12/2020 (15.000 đồng/cổ phiếu). Thanh khoản ở mức rất cao, đạt bình quân hơn 13 triệu đơn vị/phiên.

Mặc dù ĐHCĐ chưa diễn ra, nhưng trong câu chuyện với phóng viên, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, đã có cổ đông nhắn tin chia sẻ với ông về việc cổ phiếu LPB sau khi niêm yết trên HOSE đã mang lại lợi nhuận cao cho cổ đông này.

Theo ông Sơn, đây là điều đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng dự đoán trước, bởi việc chuyển sang HOSE với tiêu chuẩn niêm yết cao hơn, tập trung nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hơn, thanh khoản cao hơn… sẽ giúp nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế, từ đó thúc đẩy thị giá cổ phiếu tăng.

Thực tế, LPB là 1 trong 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm 2020, từ mức 7.600 đồng/cổ phiếu lên 12.400 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần gấp đôi trong năm qua và đà tăng được duy trì cho tới nay với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Cứ vui đã, còn lại để mai tính

Khoảng gần 10 năm nay, phần lớn các ngân hàng đều chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt, bởi trước tiên là yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, sau đó là nhu cầu tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu… để ngân hàng có điều kiện cho vay nhiều hơn, từ đó giúp cải thiện lợi nhuận, thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu…

“Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không khiến các cổ đông vui vẻ bởi thủ tục rườm rà, lại còn bị đánh thuế thu nhập cá nhân 5% dù không phát sinh thu nhập”, anh Đào Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết.

Tuy nhiên, với sự tăng giá mạnh của cổ phiếu ngân hàng trong hơn 1 năm qua và đà tăng dự báo sẽ còn duy trì trong thời gian tới đã khiến nhà đầu tư thay đổi quan điểm. Từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh như VIB tăng hơn 41%; VPB tăng 39%; TCB tăng 33%; MBB tăng 26%; CTG tăng 18%...

Không chỉ những “cựu binh” CTG, TCB, MBB…, hay các mã chuyển sàn SHB, LPB…, làn sóng tăng giá còn lan sang các “tân binh” MSB, OCB và mới nhất là SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Tính từ ngày giao dịch đầu tiên 24/3/2021 trên HOSE đến ngày 23/4/2021, cổ phiếu này đã tăng 30% lên mức 26.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm đã tăng vượt 28.000 đồng/cổ phiếu với chuỗi tăng 9 phiên liên tục, trong đó có 6 phiên tăng trần liên tiếp - một kỷ lục đối với một cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới, mức khớp lệnh trung bình khoảng 1 triệu đơn vị mỗi phiên.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ thị trường nhờ triển vọng kinh doanh tích cực, với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của Công ty ở mức 26%. Trong đó, thu nhập lãi dự kiến tăng 17%; hệ số CIR có thể tăng nhẹ, nhưng chi phí dự phòng sẽ giảm vừa phải (-2%), qua đó sẽ thúc đẩy lợi nhuận. Kết quả kinh doanh quý I/2021 còn khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế ước tăng 115% nhờ đóng góp của thu nhập ngoài lãi và chi phí dự phòng tăng trưởng âm.

Một báo cáo gần đây của VinaCapital nhận định, mặc dù đã tăng mạnh thời gian qua, nhưng định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức hợp lý cho nên dư địa tăng giá vẫn còn, với tỷ lệ giá trên sổ sách (P/B) toàn ngành đạt 1,9 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) kỳ vọng đạt 19% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) dự kiến đạt 1,7% trong năm 2021.

“Số người mới chơi chứng khoán đến ĐHCĐ khá đông và họ chưa được chứng kiến cảnh tượng thị trường con gấu thực sự (tức trắng bên mua) diễn ra trong nhiều phiên. Vậy nên, cứ tận hưởng cảm giác được nhận cổ tức đi đã, còn lại để mai tính…”, nhà đầu tư Đào Hưng nêu quan điểm.

Tin bài liên quan