Cổ đông lớn “đánh nhau”, Bumi Resources lãnh đủ

Cổ đông lớn “đánh nhau”, Bumi Resources lãnh đủ

(ĐTCK) Trong tuần qua, PT Bumi Resources, tập đoàn sản xuất than lớn nhất Indonesia và cũng là tập đoàn xuất khẩu than (cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện) lớn nhất châu Á đang rơi vào cơn khủng hoảng.

Sản lượng than hàng năm của PT Bumi Resources chiếm tới 22% tổng sản lượng than của Indonesia, một trong những quốc gia khai thác và xuất khẩu than lớn nhất thế giới.

Trong vòng 1 tuần lễ, giá cổ phiếu của Bumi Resources tại Sở GDCK Jakarta (Indonesia) đã giảm hơn 20% và tính từ đầu năm đến nay, giảm tới 66%.

Tại phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cổ phiếu của Bumi Resources đã tụt xuống còn 670 rupiah/cổ phiếu (7 UScent/cổ phiếu). Nguyên nhân nào dẫn đến việc giá cổ phiếu của Bumi Resources tụt dốc quá nhanh như vậy?

Ông Dileep Srivastava, Giám đốc Bumi Resources cho biết, công việc kinh doanh của Công ty chưa đến mức quá tồi tệ, cho dù giá than đang hạ do nhu cầu sử dụng than tại nhiều thị trường giảm. “Đúng  là trong 6 tháng đầu năm nay, Bumi Resources đã bị lỗ 106 triệu USD. Song chính những mâu thuẫn trong nội bộ các cổ đông lớn của Bumi đã ảnh hưởng tai hại đến Bumi Resources”, ông Dileep Srivastava thừa nhận. Cụ thể, lãnh đạo Bumi, cổ đông lớn của Bumi Resources (sở hữu 29% cổ phần) đã yêu cầu mở cuộc điều tra về tình hình tài chính của Bumi Resources khi có thông tin cho rằng, do quản lý kém, đầu tư kém hiệu quả..., nên Bumi Resources để thất thoát 637 triệu USD.

Chỉ cần có thông tin trên và sau khi Bumi thuê một công ty độc lập điều tra tình hình tài chính của Bumi Resources, thì giá cổ phiếu của Bumi Resources đã tụt dốc nhanh trông thấy. Ngày 25/9, Moody’s Investors Service và Standard & Poor’s cùng đánh Bumi Resources tụt một bậc về xếp hạng tín dụng.

Trước diễn biến của cổ phiếu Bumi Resources, Sở GDCK Jakarta đã chính thức gửi công văn tới lãnh đạo Bumi Resources yêu cầu làm rõ vụ việc và cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này tới các cổ đông trước ngày 2/10 tới.

Bumi Resources gặp khủng hoảng cũng làm một ngân hàng thương mại lớn của (chưa được tiết lộ danh tính) lo sốt vó. Trong tháng 1/2012, ngân hàng này đã cho PT Borneo Lumbung Energi & Metal, một công ty khai thác than lớn của Indenesia (cổ đông lớn nhất là tỷ phú Samin Tan) vay 1 tỷ USD. Sau đó, PT Borneo đã dùng số tiền để mua lại 23,8% cổ phần của Bumi. Bumi là công ty Indonesia đầu tiên có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK London và cũng đang bị rơi vào vòng khủng hoảng.

Trong tuần qua, giá cổ phiếu của Bumi tại Sở GDCK London (Anh) cũng giảm tới hơn 21% đứng ở mức 1,56 bảng Anh/cổ phiếu (2,53 USD/cổ phiếu).

Mâu thuẫn nảy sinh giữa Nathaniel Rothschild, người đồng sáng lập Bumi và gia đình tỷ phú Aburizal Bakrie, cổ đông lớn của Bumi. Đầu năm nay, ông Samin Tan được PT Bakrie & Brothers, công ty của gia đình Aburizal Bakrie hậu thuẫn (sau khi cùng nhau sở hữu tới 47% cổ phần của Bumi), làm cuộc “đảo chính cung đình” trong nội bộ Bumi, lên nắm quyền Chủ tịch, thay cho Nathaniel Rothschild, bị thất thế, xuống làm thành viên Ban Giám đốc.

Nathaniel Rothschild, quốc tịch Anh là một thành viên trong dòng họ Rothschild, đã từng là dòng dõi quý tộc và giàu có bậc nhất ở châu Âu. Năm 2010, ông này đã có công lớn giúp Bumi (khi đó có tên là Vallar) thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK London (Anh). IPO này của Bumi có trị giá tới 707,2 triệu bảng Anh (1,1 tỷ USD).

Không chỉ là một trong những tỷ phú giàu nhất Indonesia , ông Aburizal Bakrie còn là một chính khách có máu mặt ở nước này. Ông hiện là Chủ tịch Đảng Golkar, chính đảng lớn thứ hai ở Indonesia . Golkar do nguyên Tổng thống Suharto sáng lập. Ông Aburizal Bakrie đang có ý định ra tranh cử Tổng thống Indonesia vào năm 2014.

Cuộc tranh giành quyền lực ở Bumi còn phức tạp hơn, khi Bumi còn là cổ đông lớn của PT Berau Coal Energy, công ty khai thác than lớn thứ 5 Indonesia, một đối thủ của Bumi Resources.

Ông Richard Knights, chuyên gia phân tích của Liberum Capital có trụ sở London nhận xét, việc tiến hành điều tra là động thái tích cực nhằm minh bạch hoá việc đầu tư và quản lý các khoản đầu tư ở Bumi Resources và nếu cần có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời. “Để ra ngoài lề những xung đột mang tính cá nhân ở Bumi, thì rõ ràng việc quản lý ở Bumi Resources là có vấn đề. Không có lửa thì là sao có khói được”, ông Richard Knights nói. Bumi Resources còn mang khoản nợ 1,3 tỷ USD của Tập đoàn đầu tư vốn nhà nước của Trung Quốc  China Investment Corp. (CIC)

Nhiều chuyên gia tài chính nhận xét, Bumi Resources có tính đến khả năng phải bán một số tài sản quý của mình, như mỏ than Kaltim Prima (sở hữu 65% cổ phần) và 70% cổ phần của Công ty PT Arutmin Indonesia (từng được mua lại từ Tập đoàn khai khoáng BHP Billiton Ltd - BHP của Anh và Australia), để trang trải nợ nần.

Khi mà cuộc đấu đá nội bộ ở Bumi còn chưa ngã ngũ, nhiều nhà phân tích đã đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư hãy tạm tránh ra xa, đừng đụng đến cổ phiếu của Bumi và Bumi Resources.