Cổ đông gửi kiến nghị trước ĐHCĐ, tại sao không?

Cổ đông gửi kiến nghị trước ĐHCĐ, tại sao không?

(ĐTCK-online) Cổ đông có quyền kiến nghị các vấn đề bằng văn bản, gửi về công ty trước ngày tổ chức ĐHCĐ ít nhất là 3 ngày. Đó là nội dung có trong thư mời họp ĐHCĐ mới đây tại một số DN như Than Vàng Danh (họp ngày 29/10), Bảo hiểm Hàng không (họp ngày 28/10)...

Lâu nay, quyền kiến nghị các vấn đề bằng văn bản gửi tới DN trước khi ĐHCĐ được tổ chức mới chỉ dành cho một số đối tượng đảm bảo quy định về lượng cổ phần nắm giữ cũng như thời hạn nắm giữ. Bởi theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty, mới có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình ĐHCĐ.

Tuy nhiên, với nội dung thông báo tại 2 DN trên, có thể thấy quyền kiến nghị bổ sung chương trình họp ĐHCĐ đang được linh động dành cho mọi cổ đông, chứ không chỉ giới hạn ở số cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ tỷ lệ cổ phần nào đó trong một thời hạn nhất định. Với động thái này, có thể thấy DN đang cởi mở hơn, tạo điều kiện cho tất cả các cổ đông được quyền tham gia ý kiến vào hoạt động của DN.

Đó cũng là cách làm mà Công ty Luật Hoàng Minh đã hướng dẫn DN về cách tổ chức  ĐHCĐ trên website của công ty luật này. Thậm chí, hướng đến quyền lợi của cổ đông, công ty luật này còn gợi ý, thông báo mời họp nên được gửi tối thiểu 4 tuần trước ngày tổ chức đại hội để tất cả các cổ đông sắp xếp được thời gian dự họp (trong khi Luật Doanh nghiệp quy định thời gian tối thiểu phải gửi thông báo là 7 ngày trước ngày họp, trừ khi điều lệ công ty quy định khác).

Bình luận về động thái trên của DN, bà Mai Linh, luật sư cao cấp Công ty Luật hợp danh Luật Việt cho rằng, động thái trên cho thấy sự tiến bộ của DN trong nỗ lực gắn kết cổ đông nhỏ với công ty, khiến mọi cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ, những người sở hữu không lớn tại DN cảm thấy mình được tôn trọng hơn.

Tại nhiều kỳ họp ĐHCĐ, không ít lãnh đạo DN vẫn dành phần lớn thời gian để đọc rất chi tiết nhiều loại báo cáo; trong khi đó lại khống chế thời gian thảo luận, chất vấn giữa cổ đông với lãnh đạo DN chỉ vài chục phút. Nhiều cổ đông từng phản ứng về cách điều hành này, nhưng DN thường chống chế rằng thời lượng thảo luận có hạn và hứa sẽ trả lời cổ đông bằng văn bản sau đó. Tại một số DN, khi đọc báo cáo, các lãnh đạo đọc không bỏ sót bất kỳ thông tin nào, trong khi các nội dung này thực sự không cần thiết, vì  trước đó các báo cáo đã được gửi đến tận tay cổ đông qua đường bưu điện hay đăng tải trên website công ty. Cách tổ chức ĐHCĐ này gây phản cảm, tạo sự xa cách giữa cổ đông với ban lãnh đạo DN.

Do đó, nếu DN nào cũng lĩnh hội ý kiến của cổ đông trước đó và tại đại hội, giản lược phần đọc báo cáo, tập trung thảo luận những kiến nghị của cổ đông gửi trước đó hay trả lời thỏa đáng những câu hỏi ngay tại đại hội, thì sự tương tác giữa cổ đông với DN sẽ ngày càng khăng khít hơn. Những vấn đề dù "nóng" liên quan đến hoạt động của DN cũng dễ hóa giải hơn.