Cổ đông “dài cổ” chờ đại hội…

Cổ đông “dài cổ” chờ đại hội…

(ĐTCK) Đến thời điểm hiện tại, cổ đông nhiều DN vẫn phải “dài cổ” chờ đợi vì các công ty này dự kiến đến tận cuối tháng 5, thậm chí sang tháng 6 mới tổ chức.

ĐHCĐ thường niên là cơ hội rõ ràng nhất trong năm để các cổ đông chất vấn ban điều hành DN về đường hướng phát triển cũng như biết được chỉ tiêu kinh doanh ra sao để lên kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cổ đông nhiều DN vẫn phải “dài cổ” chờ đợi vì các công ty này dự kiến đến tận cuối tháng 5, thậm chí sang tháng 6 mới tổ chức đại hội như trường hợp CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác giao thông 584 (NTB).

Mùa đại hội năm nay, trong tài liệu gửi đến các cổ đông về chương trình ĐHCĐ, nhiều DN vẫn để ngỏ thời điểm tổ chức. Điển hình như CTCP Xây dựng điện VNECO 3 (VE3) dù đã đưa ra ngày chốt danh sách cổ đông được quyền dự họp là ngày 25/4, song vẫn chưa có thời gian tổ chức cụ thể mà Công ty cho biết là sẽ thông báo sau. CTCP Khí hóa lỏng miền Bắc (PVG) dù đã thực hiện chốt danh sách cổ đông từ ngày 30/3, tuy nhiên đến nay gần 1 tháng vẫn chưa có lịch và địa điểm họp ĐHCĐ.

Phản ánh với Đầu tư Chứng khoán, một nhà đầu tư là cổ đông của CTCP MCO Việt Nam (MCO) cho biết, Công ty dự kiến họp ĐHCĐ vào ngày 30/5/2013. Theo nhà đầu tư này, khi đã hết 2 quý đầu năm mà DN mới bắt đầu xin ý kiến cổ đông để thông qua kế hoạch cả năm là quá muộn. Khi đó, kế hoạch dự kiến đưa ra không còn mấy ý nghĩa. Năm 2012, MCO từng bị Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo do công bố báo cáo kiểm toán muộn và DN này cũng đã nhiều lần vi phạm công bố thông tin.

Cổ đông “dài cổ” chờ đại hội… ảnh 1

Hiện VIG vẫn chưa ấn định thời gian tổ chức ĐHCĐ

Trong khi đó, CTCP Đầu tư và xây dựng điện Mê Ca Vneco (VES) đang đối mặt với “án” hủy niêm yết cổ phiếu vào ngày 3/5/2013 do 3 năm thua lỗ liên tiếp, thế nhưng đến ngày 29/5, DN này mới tổ chức ĐHCĐ. Điều này đã làm không ít cổ đông chán nản bởi ngay trong quý I/2013, VES tiếp tục lỗ 1,85 tỷ đồng.

Từ thực tế mùa ĐHCĐ năm 2012, có thể thấy tình trạng DN tổ chức họp ĐHCĐ vào tháng 7, tháng 8 sẽ vẫn diễn ra, vì một số DN hiện vẫn chưa công bố thời điểm chốt danh sách họp ĐHCĐ. Các năm trước, tình trạng này vẫn diễn ra mà rất ít DN bị xử lý cho thấy hiện đang thiếu chế tài đủ mạnh để bảo vệ cổ đông nhỏ trước việc DN chậm trễ, thậm chí chây ỳ tổ chức ĐHCĐ. Nhìn vào danh sách những DN có “thói quen” tổ chức đại hội muộn, có thể thấy hầu hết đều là những đơn vị đang được định giá thấp, thị giá cổ phiếu chỉ vài nghìn đồng/CP.

Có thể có những nguyên nhân khách quan tại một số DN khiến các đơn vị này phải tổ chức ĐHCĐ muộn. Nhưng dù vì nguyên nhân gì, cổ đông bên ngoài vẫn là người chịu thiệt hại nhất khi họ rất mù mờ thông tin về DN mà mình đã góp vốn, qua đó tất yếu sẽ nảy sinh  tâm lý “nghi ngờ” về khả năng hoạch định kế hoạch kinh doanh của DN.

Năm 2012, nhiều DN bước sang tháng 7 mới tổ chức ĐHCĐ như CTCP Hồng Hà Long An (HHL), CTCP Mía đường 333 (S33)... Thậm chí, CTCK Ngân hàng nông nghiệp (AGR) do tới tận tháng 9/2012 mới tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012 nên đã bị UBCK xử phạt với mức phạt 20 triệu đồng do vi phạm quy định quản trị công ty và quy định của pháp luật hiện hành. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo AGR cho biết, năm nay, Công ty dự kiến sẽ tổ chức ĐCHĐ vào tháng 5/2013, sở dĩ năm qua Công ty tổ chức đại hội muộn và bị xử phạt là bởi nhiều lần trì hoãn do chưa có sự thống nhất và chỉ đạo từ ngân hàng mẹ (Agribank).

Năm nay, trong nhóm CTCK đã niêm yết trên sàn hầu hết đều lựa chọn tháng 3, tháng 4 để tổ chức ĐHCĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một vài CTCK tổ chức muộn hơn, trong số đó có CTCP Phương Đông (ORS) dự kiến tổ chức vào ngày 28/5/2013, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) vẫn chưa có thời gian họp cụ thể, nhưng theo dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 5… Một số DN đã lên kế hoạch họp ĐHCĐ sớm, song chưa nhận được sự đồng thuận của cổ đông lớn nên cũng tạm thời phải hoãn.

Rõ ràng, việc DN tổ chức ĐHCĐ quá muộn dù vì lý do gì cũng là một điểm trừ dưới con mắt cổ đông. Với những đơn vị chọn tháng 5 làm thời điểm đại hội dù chưa vi phạm quy định pháp luật, nhưng khi đã gần hết quý II mà cổ đông vẫn còn mông lung chưa biết kế hoạch, chỉ tiêu, đường hướng kinh doanh của DN ra sao thì thật khó cho họ trong việc “chọn mặt gửi vàng”.