6 tháng đầu năm nay, tình trạng cổ phần hóa diễn ra chậm chạp. Nhiều đợt IPO “khủng” được thị trường chờ đợi như hai tổng công ty phát điện, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam… đã không diễn ra như kế hoạch. Theo ông, các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa do đâu?
6 tháng đầu năm nay, ước cả nước cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ năm trước cổ phần hóa được 40 doanh nghiệp. Kết quả này cho thấy cổ phần hóa tiếp tục diễn ra chậm và chưa có tín hiệu được khắc phục.
Hiện tiến độ cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. Chẳng hạn như Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1), Tổng công ty phát điện 3 (GENCO 3) đều thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đang triển khai cổ phần hóa chậm lần lượt do vướng mắc trong xử lý tài chính, liên quan đến quá trình kiểm toán. Hay Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) có những tồn tại về tài chính chậm được xử lý và đang chờ kết quả kiểm toán.
Theo kế hoạch ban đầu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý II/2017, nhưng nay dự kiến lùi lại vào quý IV/2017, bởi VRG cần có thêm thời gian rà soát kỹ lưỡng để xử lý vấn về quỹ đất lớn phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau có liên quan đến an ninh, quốc phòng.
ông Đặng Quyết Tiến
Đang có tư tưởng chần chừ, e ngại của lãnh đạo doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã và sắp cổ phần hóa có không ít vấn đề phức tạp phải xử lý, khi triển khai cổ phần hóa đụng đến trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo các thời kỳ, nên họ tìm cách né tránh trách nhiệm.
Cổ phần hóa chậm còn do các doanh nghiệp đang trông chờ vào việc sửa đổi chính sách về cổ phần hóa, đang được cơ quan quản lý triển khai xây dựng dự thảo.
Được biết, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, sau khi bổ sung các nội dung mới theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành. Dự kiến, bao giờ văn bản này sẽ được ban hành và đưa vào áp dụng, thưa ông?
Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành dự thảo nghị định thay thế các Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 và Nghị định 116/2015. Dự kiến, văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 7 - 8 tới. Cơ chế về cổ phần hóa lần này thể hiện nhiều tư tưởng cải cách của nhà quản lý.
Đó là quy định cụ thể để giải quyết ngay các nội dung đang bộc lộ nhiều vướng mắc như: định giá tài sản là đất đai, tìm kiếm cổ đông chiến lược, thuê tổ chức tư vấn nước ngoài, chi phí cổ phần hóa..., để sau khi nghị định được ban hành và có hiệu lực sẽ áp dụng được ngay mà không phải đợi thông tư hướng dẫn.
Khi áp dụng cơ chế mới, không chỉ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang tồn tại, mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới về cổ phần hóa, nên sẽ hỗ trợ cho đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Liên quan đến một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang và sắp cổ phần hóa quan tâm là chi phí cổ phần hóa, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011 ban đầu thể hiện sẽ không khống chế khoản chi phí này. Nội dung này có được giữ nguyên trong bản dự thảo mà Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành hay không, thưa ông?
Nội dung này vẫn được giữ nguyên. Cơ chế mới không khống chế chi phí cổ phần hóa sẽ tạo thông thoáng cho doanh nghiệp chủ động hơn trong triển khai cổ phần hóa.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là doanh nghiệp muốn chi bao nhiêu cũng được. Các khoản chi này phải được hạch toán rõ ràng, minh bạch, có chứng từ hợp lý mới đảm bảo cho việc thanh quyết toán đúng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phát sinh khoản chi phí cổ phần hóa quá cao, lúc đó, đơn vị kiểm toán sẽ vào cuộc làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.