Xu hướng giảm lãi suất đã được xác lập

Xu hướng giảm lãi suất đã được xác lập

Cơ cấu tín dụng nền kinh tế đang thay đổi mạnh

(ĐTCK) Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đang được “điều hướng” khá tốt vào sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng.

Lãi suất bắt đầu giảm nhẹ

Ngày 7/7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ giảm chi phí cho vay vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN khi có nhu cầu…

Độ trễ của mỗi quyết định chính sách trong lĩnh vực tiền tệ thường từ 3-6 tháng, hoặc có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, việc NHNN cung ứng một lượng vốn rẻ hơn thông qua việc giảm lãi suất điều hành cho các ngân hàng thương mại là cơ sở quan trọng để các ngân hàng có thể hạ lãi suất huy động và cho vay trên thị trường.

Riêng đối với hoạt động cho vay ngắn hạn, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, sau khi các quyết định giảm lãi suất có hiệu lực thi hành, các ngân hàng thương mại đã triển khai áp dụng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tính đến ngày 30/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016. 

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, BIDV đã có một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với mức lãi suất chỉ từ 5-5,5%/năm; Agribank giảm lãi suất cho vay trung-dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên từ 8,5%/năm xuống 8%/năm. LienVietPostBank, VPBank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6-6,5%/năm…

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm; lãi suất cho vay trung-dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8-10,5%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6,8-9%/năm cho ngắn hạn, 9,3-11%/năm cho trung hạn.

Điều này có nghĩa rằng, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn được hưởng lãi vay ngang hoặc thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động trên thị trường. Tất nhiên, số doanh nghiệp được vay lãi suất thấp này chỉ ở dạng “lựa chọn”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: “Trước khi có văn bản của NHNN, Vietcombank đã chuẩn bị phương án những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn thậm chí chỉ có 6%/năm”.

Linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Tương tự, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV thông tin: “Ngân hàng đã giảm lãi suất khá sâu với nhiều khoản vay, mức giảm thêm so với hiện tại là khoảng 0,75%/năm”.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho hay, SHB vừa giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên, là cam kết của SHB trong việc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, mà cụ thể là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch trả nợ hợp lý, nhưng vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Do đó, quyết định giảm lãi suất lần này của SHB sẽ giúp các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, để biến những dự án đang còn trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới”, ông Lê chia sẻ.

Tính đến ngày 30/6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt 9,06% so với cuối năm trước, mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tín dụng tăng 8,21%; cùng kỳ năm 2015 tín dụng tăng 7,86%).

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Mặc dù vậy, việc hạ lãi suất, theo ghi nhận trên thị trường, mới chỉ dành cho các nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, phương án kinh doanh tốt, chứ chưa dành cho đại trà khách hàng. Tuy nhiên, xu hướng giảm lãi suất đã được xác lập.

Lý giải về điều này, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nếu giảm lãi suất một cách đột ngột có thể dẫn đến “đổ bể” một ngân hàng. Để hạ được lãi suất, các ngân hàng phải cân đối đầu vào, rồi mới đến đầu ra.

Lãi suất huy động bình quân hiện chưa thể giảm ngay. Do vậy, việc hạ lãi suất của các ngân hàng 2 tuần qua phần lớn do các ngân hàng đã có kế hoạch từ trước và cũng chỉ dành cho những nhóm khách hàng xác định.

Thông tin từ NHNN cho biết, thời gian tới, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, NHNN sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất-kinh doanh.

Tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng thấp

Một điểm đáng chú ý về tín dụng sau 6 tháng đầu năm là cơ cấu tín dụng thay đổi khá rõ nét. Lĩnh vực liên tục nhận được cảnh báo là BOT và bất động sản tăng khá thấp so với mặt bằng chung.

Cụ thể, tín dụng cho sản xuất-kinh doanh chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống như tín dụng đối với ngành công nghiệp ước tăng khoảng 10,34% (chiếm tỷ trọng  22,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,12%; ngành xây dựng tăng khoảng 15,01% (chiếm tỷ trọng 9,91%); tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và các nhu cầu vốn trên địa bàn nông thôn tăng 9,9% (chiếm tỷ trọng 19,48%).

Nới lỏng tiền tệ và “lời nhắc” của WB

Tín dụng đối với lĩnh vực “tiềm ẩn nhiều rủi ro” là kinh doanh bất động sản ước chỉ tăng 5,53% (chiếm tỷ trọng khoảng 6,86%), mức tăng có được nhờ vào sự phục hồi của ngành xây dựng và các ngành có liên quan. Tương tự, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông chiếm tỷ trọng nhỏ (1,54% tổng dư nợ cấp tín dụng chung) và tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (tăng 1,75% so với cuối năm 2016).

Đáng chú ý là tín dụng tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ (5 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,01%, chiếm tỷ trọng 15,17% tổng dư nợ tín dụng) và vẫn tập trung chủ yếu vào các nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể thao; qua đó, về cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và góp phần kích thích tiêu dùng trong nước.

Việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng có sự góp sức rất lớn của 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu vốn chi phối là Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV. 4 ngân hàng có quy mô tổng tài sản “triệu tỷ đồng” này đang chiếm thị phần tín dụng lớn nhất của nền kinh tế, đã “nắn” nguồn vốn vay theo định hướng của cơ quan quản lý.

Chẳng hạn, tại Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT cho biết, tính đến 30/6/2017, nguồn vốn đạt 972.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm và dư nợ đạt 788.000 tỷ đồng, tăng gần 5,5%. Nguồn vốn của Agribank chủ yếu tập trung cho vay kinh tế hộ với 3,7 triệu khách hàng hộ sản xuất; 261.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đáng chú ý, ông Khánh cho biết: “Agribank đang trong giai đoạn tái cơ cấu, có những hạn chế nhất định, nên không tập trung cho vay các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn”.

Tại BIDV, ông Phan Đức Tú cũng cho hay, ngay từ đầu năm, Ngân hàng đã tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên và riêng trong lĩnh vực này tăng trưởng 16%.

“BIDV đã tập trung tín dụng cho các chương trình khởi nghiệp, ưu tiên năng lượng; giao thông, truyền thông và bất động sản chỉ còn khoảng 5,72% trong tổng dư nợ”, ông Tú nói.

Mức tăng trưởng ấn tượng hơn thuộc về Vietinbank khi tại ngân hàng này, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên tăng đến 55%, và có đến 95% tín dụng vào sản xuất-kinh doanh, chỉ khoảng 5% cho vay bất động sản và tiêu dùng.

Tin bài liên quan