Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Cơ cấu nhà đầu tư phái sinh dịch chuyển

(ĐTCK) Trong tháng 11 vừa qua, tỷ trọng giao dịch chứng khoán phái sinh của khối nhà đầu tư tổ chức, bao gồm tự doanh, tiếp tục tăng, đạt trên 13%. Mặc dù tỷ trọng giao dịch còn khiêm tốn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khối nhà đầu tư này sẽ “dẫn dắt” cuộc chơi trên thị trường.

Giá chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai) có mối tương quan mật thiết với thị trường cơ sở (chỉ số VN30).

Khi thị trường cơ sở tăng, giá hợp đồng tương lai sẽ tăng, mang lại cơ hội lợi nhuận cho nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua.

Trường hợp thị trường cơ sở giảm, chứng khoán phái sinh mang lại cơ hội thu lời cho nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán.

Cơ hội kiếm lời luôn hiện hữu, dù thị trường tăng hay giảm, là lý do khiến số lượng nhà đầu tư tham gia sàn phái sinh ngày càng tăng; nếu như cuối năm 2017 có hơn 17.100 tài khoản thì đến cuối năm 2018 tăng lên gần 57.700 tài khoản và thời điểm cuối tháng 11/2019 đạt gần 89.800 tài khoản.

Ðặc biệt, giá trị giao dịch trên sàn phái sinh rất cao. Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 11 tháng đầu năm 2019, bình quân mỗi tháng có 1,855 triệu hợp đồng tương lai, trị giá 164.853 tỷ đồng được chuyển nhượng; trung bình mỗi phiên là 89.500 hợp đồng, trị giá 7.953 tỷ đồng (giá trị danh nghĩa, tức tính cả yếu tố đòn bẩy).

Thị trường càng biến động mạnh, cơ hội lướt sóng phái sinh càng lớn, khả năng thu lãi càng cao.

Bởi lẽ, sàn phái sinh có cơ chế giao dịch đối ứng, nhà đầu tư được phép mua/bán liên tục và tài khoản ghi nhận lãi/lỗ ngay lập tức, chỉ cần nhà đầu tư ra/vào lệnh hợp lý, “mua thấp, bán cao” hoặc “bán cao, mua thấp” là giá trị tài khoản gia tăng.

Tuy nhiên, tìm hiểu của người viết cho thấy, trong đợt tăng điểm của thị trường cơ sở mới đây, sau đó sụt giảm vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân trên sàn phái sinh thua lỗ.

“Có người lãi thì có người lỗ, nhưng phần lớn nhà đầu tư cá nhân mà tôi biết đều thua lỗ. Tôi cũng vậy, nỗ lực tìm cách gỡ lại, nhưng tài khoản cứ hao mòn dần. Sân chơi phái sinh có lẽ thuộc về nhà đầu tư lớn, nhất là các tổ chức, vì họ có nguồn lực tài chính cùng công cụ phân tích hỗ trợ, thậm chí có hệ thống giao dịch tự động. Nhà đầu tư cá nhân khó có thể đấu lại”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Theo thống kê, giao dịch phái sinh của nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng có dấu hiệu giảm dần kể từ đầu năm 2019 đến nay.

Ngược lại, giao dịch của các tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh của khối công ty chứng khoán) liên tục tăng, từ mức 1 - 2%/tháng trong quý I lên 8,5% trong tháng 7 và 13,08% trong tháng 11.

Nhà đầu tư trên cho biết, giai đoạn đầu thị trường phái sinh mở cửa, từ ngày 10/8/2017 đến cuối năm 2018, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức thường xuyên chiếm tỷ trọng dưới 1%, tỷ trọng này từ đầu năm 2019 đến nay liên tục tăng, hiện đạt trên 13%.

Tỷ trọng giao dịch so với nhà đầu tư cá nhân vẫn còn khiêm tốn, nhưng khối nhà đầu tư tổ chức không hay lướt sóng như nhà đầu tư cá nhân, nên xét về thực chất, lượng tiền tham gia của họ là không nhỏ và các quyết định mua/bán có tác động lớn đến diễn biến giá trên thị trường, có thể “lái” giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân theo ý muốn.

Về vấn đề này, trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhận xét, đầu tư phái sinh hầu như phải dựa vào phân tích kỹ thuật, việc này các tổ chức có lợi thế, còn các nhà đầu tư cá nhân, đa số không thông thạo việc phân tích và thường giao dịch theo cảm tính.

Có những nhà đầu tư cá nhân thường xuyên thua lỗ vì chuyển đổi vị thế giữa mua và bán trong phiên một cách không hợp lý, do cảm xúc liên tục thay đổi theo diễn biến giá. Họ rất dễ bị kích động, khiến các tổ chức có thể dễ dàng dẫn dắt.

“Trước khi giao dịch, nhà đầu tư cá nhân nào cũng phân tích thị trường dựa trên lý trí, nhưng sau đó, biến động giá như dự đoán khiến họ bốc đồng và tham lam, còn biến động giá ngược dự đoán khiến họ sợ hãi, thậm chí hoảng loạn. Một nghiên cứu của nước ngoài chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi có cường độ gấp 3 lần lòng tham.

Vì thế, đa số họ chốt lời ở mức thấp, còn cắt lỗ ở mức cao, tức lãi ít đã chốt lời, còn lỗ nhiều mới cắt. Nắm bắt được điều này, các tổ chức dựa vào phân tích kỹ thuật có thể đưa ra các quyết định giao dịch then chốt, tác động tới tâm lý đám đông nhà đầu tư cá nhân, tạo ra hiệu ứng mua đuổi, bán đuổi theo ý muốn, qua đó hưởng lợi từ các vị thế đã mở từ trước”, vị trưởng phòng phân tích nói.

Theo một số chuyên gia, chứng khoán phái sinh rất hấp dẫn, mang lại cơ hội thu lời nhanh và nhiều, nhưng rủi ro thua lỗ là tương đương.

Các nhà đầu tư thua lỗ kéo dài nên tạm ngừng giao dịch một thời gian để học hỏi thêm và thay đổi chiến lược đầu tư. Những nhà đầu tư có ít kiến thức và kinh nghiệm nên tập dượt với các ứng dụng đầu tư chứng khoán phái sinh ảo.

Tuy nhiên, tâm lý khi đầu tư ảo và thật rất khác nhau. Do đó, song song với các quyết định đầu tư ảo, nhà đầu tư nên đầu tư thật, nhưng với giá trị nhỏ, đủ để giao dịch 1 hợp đồng. Sau vài ba tháng, nếu kết quả đầu tư khả quan thì mới thực sự tham gia thị trường thật.

“Gần đây, chỉ số VN30 giảm sâu, nhà đầu tư phái sinh nên cân nhắc mở vị thế mua ở mức giá thấp và bán ra chốt lời trong phiên, hoặc ngược lại, mở vị thế bán ở mức giá cao và mua vào chốt lời khi giá giảm trong phiên.

Bởi lẽ, tâm lý cả bên mua và bán vẫn đang thận trọng, không muốn mạo hiểm nắm giữ vị thế dài hơn, vì thị trường có thể hồi phục, nhưng cũng có nguy cơ giảm thêm, khiến giá trong phiên biến động mạnh.

Tuy nhiên, quan sát diễn biến giao dịch vài phiên gần đây cho thấy, số lượng nhà đầu tư có tâm lý bắt đáy đang tăng, nếu nắm giữ vị thế dài hạn thì vị thế mua có cơ hội nhiều hơn”, một chuyên gia khuyến nghị và nhìn nhận, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới, trong khi điểm số trên thị trường Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt, dù yếu tố vĩ mô khả quan. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ sớm được cải thiện và cái Tết năm nay của nhà đầu tư sẽ vui.

Tin bài liên quan