Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Trung Quốc bất an khi chứng khoán tăng nóng

(ĐTCK) Trung Quốc - thị trường chứng khoán có màn biểu diễn nổi trội nhất trên toàn cầu kể từ đầu năm tới nay đang trở nên dễ tổn thương trước việc giới chức quốc gia này có dấu hiệu “bất an” trước đà tăng của thị trường.

Sau khi chỉ số CSI 300 đã tăng khoảng 40% kể từ đầu năm 2019 tới nay, giới đầu tư tỏ ra nhạy cảm với các động thái của giới chức quản lý Trung Quốc, theo dõi mọi động tĩnh liên quan tới việc chính sách nới lỏng liệu có được tiếp tục trong thời gian tới như những gì đã diễn ra trong quý I hay không?

Tuy nhiên, vào đầu tuần, thông điệp từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế Đại lục đang ổn định và phát triển ở mức độ vừa phải, mọi biện pháp nới lỏng nhằm kích thích đà tăng của nền kinh tế là không cần thiết. Thay vào đó, giới chức nước này sẽ chú tâm hơn nữa tới tình trạng sử dụng đòn bẩy quá đà của giới đầu tư và kiểm soát hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Ngay sau thông tin này, chỉ số CSI 300 đã giảm 2,3%, mức giảm mạnh nhất trong tháng 4. Dẫn đầu đà đi xuống là cổ phiếu của nhóm bất động sản, cùng với các ngành kinh tế liên quan như ngân hàng, xây dựng…

Chỉ số đo lường sức mạnh của cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản lớn tại Thượng Hải đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần, với cổ phiếu tên tuổi như Gemdale Corp và China Vanke Co giảm hơn 6%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị xây dựng như Sany Heavy Industry Co rơi xuống mức thấp nhất hơn 3 năm qua.

 Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm.

“Các thành viên thị trường đã có cái nhìn rõ ràng rằng, sẽ không có thêm các biện pháp nới lỏng như thời gian qua, yếu tố từng giúp thanh khoản tăng vọt. Trong 1 - 2 tháng tới, thị trường sẽ bước vào giai đoạn trầm lắng hơn”, Dai Ming, nhà quản lý quỹ Hengsheng Asset Management Co cho biết.

Thực tế, thị trường chứng khoán Đại lục có thời gian dài thanh khoản và khối lượng giao dịch tăng vọt nhờ các chính sách nới lỏng, sau đó bất ngờ đảo chiều mạnh khi có các tác động từ phía giới chức.

Mới đây, thị trường chứng khoán đã đột ngột đi xuống đầu tháng 4 mà nguyên nhân là mối lo ngại chính quyền Trung Quốc sẽ có hành động kiểm soát tình trạng sử dụng đòn bẩy. Hay chỉ số CSI 300 đã giảm 4% trong ngày 8/3 khi một công ty chứng khoán lớn bất ngờ đưa ra dấu hiệu bán, xuất phát từ dự báo chính phủ Đại lục “không hài lòng” với đà tăng nhanh của thị trường.

Hiện tại, giới chuyên gia không cho rằng Trung Quốc sẽ có biện pháp thắt chặt đột ngột, nhất là khi giá thịt lợn tăng mạnh đang tác động tới lạm phát. Bên cạnh đó, với việc thị trường trái phiếu khá trầm lắng, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư có sức hấp dẫn tích cực.

Gerry Alfonso, Giám đốc bộ phận kinh doanh quốc tế tại Shenwan Hongyuan Group Co nhận định: “Có nhiều lý do để giới chức Trung Quốc cảm thấy bất an với đà tăng mạnh của thị trường, nhất là khi từng có những cú sốc trong quá khứ. Tuy nhiên, hiện tại, họ đang phản ứng hơi quá đà. Việc giữ tỷ lệ đòn bẩy ở mức phù hợp sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán trong dài hạn”.

Tuy nhiên, với việc Chính phủ Trung Quốc tỏ ra lo lắng về rủi ro bong bóng xuất hiện, những ngày tận hưởng dòng tiền với chi phí thấp trên thị trường chứng khoán đã gần tới lúc kết thúc. Tính từ mức thấp nhất vào tháng 10/2018, giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng thêm 2,5 nghìn tỷ USD, hơn 50 công ty thuộc chỉ số CSI 300 chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 50% kể từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư đã thu lời không nhỏ.

“Thị trường hiện tại đã thiếu đi động lực mạnh để tiếp tục đi lên”, Zhang Gang, chiến lược gia tại Central China Securities Co nhận định.

Tin bài liên quan