Mùa công bố kết quả quý II: Chờ đợi những bất ngờ

Mùa công bố kết quả quý II: Chờ đợi những bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa công bố báo cáo kết quả quý II, cũng như nửa đầu năm đã tới. Nhiều khả năng, đây sẽ là một mùa thất thu đối với các nhà sản xuất trên toàn cầu.

Mùa công bố báo cáo kết quả quý II, cũng như nửa đầu năm đã tới. Nhiều khả năng, đây sẽ là một mùa thất thu đối với các nhà sản xuất trên toàn cầu.

Dù một số số liệu kinh tế được công bố cho thấy, nỗi đau mà đại dịch Covid-19 mang tới phần nào đã dịu nhẹ kể từ tháng 6, nhưng không ít doanh nghiệp chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2007 cho tới nay.

Câu hỏi lớn mà các doanh nghiệp đặt ra là câu chuyện tiếp theo sẽ diễn biến ra sao? Theo quan điểm của nhiều công ty lớn, trong đó có nhà phân phối công nghiệp Fastenal Co, hãng vận tải J.B.Hunt Transport Services Inc và hãng điều hành xe lửa Kansas City Southern, nhu cầu chưa có sự phục hồi trong ngắn hạn và có nhiều mối lo lắng với hoạt động kinh doanh.

Giám đốc tài chính Fastenal Holden Lewis cho biết, việc nền kinh tế mở cửa trở lại mới chỉ bắt đầu, các doanh nghiệp đều đang tự tái cơ cấu, sắp xếp lại nguồn nhân lực, cũng như chuỗi cung ứng.

Đây là lý do mọi công ty đều phải có cái nhìn cẩn trọng về hoạt động kinh doanh của chính mình, bởi có thể các khách hàng lâu năm có sự thay đổi lớn.

Đáng chú ý, với việc xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai tại một số khu vực, nhất là tại Mỹ, hoạt động kinh doanh vừa rục rịch khởi động đã đối diện nguy cơ đóng băng lần nữa.

Số lượng ca lây nhiễm Covid-19 gia tăng đã khiến các hãng hàng không chỉ có thể gia tăng thêm khoảng 500 chuyến bay trong tháng 8/2020, so với kế hoạch là 1.000 chuyến, trong khi hàng loạt công xưởng sản xuất ô tô tại Michigan đóng cửa lần nữa.

JPMorgan Chase & Co, Wells Fargo & Co và Citigroup Inc đã phải trích hơn 25 tỷ USD dự phòng cho các khoản nợ xấu mới trong quý II và CEO của các nhà băng toàn cầu này đều lên tiếng cảnh báo rằng, những điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua đi.

Hiện tại, một trong những phao cứu sinh để nhà đầu tư bấu víu là các doanh nghiệp tỏ ra cứng rắn với thời thế, tự tin vào hoạt động của bản thân và tiến hành mua cổ phiếu quỹ.

Nhiều công ty trì hoãn kế hoạch mua lại cổ phiếu sau quý I do giá cổ phiếu biến động bất thường và thị trường trái phiếu diễn biến không thuận lợi.

Tuy nhiên, cho tới nay, các chương trình hỗ trợ của chính phủ, nhất là chương trình mua vào tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã khiến mối lo ngại về nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp nguôi ngoai. Đây là lý do một số công ty công bố tái khởi động kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.

Chẳng hạn, Johnson Controls International Plc thông báo sẽ mua lại cổ phiếu trong quý III/2020, mà nguồn lực có thể tới việc đã bán lĩnh vực kinh doanh pin xe hơi giá trị 13,2 tỷ USD cho Brookfield Asset Management năm ngoái. Julian Mitchell, chiến lược gia tại Barclays chia sẻ, một số công ty có khả năng nối lại hoặc gia tăng quy mô kế hoạch mua cổ phiếu quỹ vào đầu quý III/2020 bao gồm Dover Corp, Eaton Corp, Honeywell International Inc, Lennox International Inc, Rockwell Automation Inc và Trane Technologies Plc…

Lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất từ đại dịch Covid-19 là ngành hàng không và hiện tại, những tổn thương mà các hãng hàng không phải gánh chịu là dễ nhận thất.

Delta Airlines Inc là một trong những hàng hàng không lớn đầu tiên của Mỹ công bố kết quả quý II, với chỉ một nửa các chuyến bay được dự kiến sẽ gia tăng trong tháng 8, thua lỗ 2,8 tỷ USD, doanh thu giảm 91% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau khi 17.000 nhân viên phải nghỉ hưu sớm, tạm rời vị trí tự nguyện, một cuộc sa thải hàng loạt may rằng chưa diễn ra. CEO Ed Bastian kỳ vọng diễn biến sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.

Không được lạc quan như vậy, Gary Kelly, CEO Southwest Airlines Co cho biết, công ty cần lượng hành khách tăng gấp 3 lần kể từ nay cho tới cuối năm để tránh phải thực hiện việc sa thải hàng loạt lần đầu tiên trong lịch sử.

American Airlines Group Inc, United Airlines Holdings Inc đều công bố thông tin cảnh báo tới 61.000 nhân sự về việc có khả năng xảy ra cải tổ và vị trí làm việc này tạm thời không còn nữa.

Những diễn biến này tạo áp lực khiến Chính phủ Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác phải tiến hành “giải cứu” các hãng hàng không.

Tin bài liên quan