Kể từ đầu năm 2019, hơn 16 tỷ USD đã chảy vào các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á thông qua các quỹ đầu tư của Mỹ, theo số liệu từ QUICK-FactSet.
Trong số đó, các quỹ ETF của Mỹ đặc biệt nhắm tới thị trường Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1/2019 đã mua ròng 60,7 tỷ Nhân dân tệ (8,95 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết tại 2 sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến thông qua mối liên kết với sàn Hồng Kông, đánh dấu tháng mua ròng kỷ lục và tăng 73% so với cùng thời gian năm ngoái.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong tháng 2/2019 với tổng nguồn tiền khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ đầu năm đạt 99 tỷ Nhân dân tệ (14,6 tỷ USD), vượt xa so với mức trung bình 1 tháng chỉ vào khoảng 24,5 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2018.
Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra vào tháng 5 - 7/2018, khi 14 tỷ USD đã được rút khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi, mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc Mỹ tiến hành nâng lãi suất và khủng hoảng tiền tệ tại một số thị trường đáng chú ý như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tâm lý của giới đầu tư đột nhiên lạc quan trở lại kể từ đầu tháng 1/2019, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra đề nghị Fed nên trì hoãn việc tiếp tục nâng thêm lãi suất trong phiên họp diễn ra vào tháng 3. Nhờ vậy, dòng tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi trong tháng 1 ngay lập tức lên mức cao nhất trong 1 năm qua, đạt 10,1 tỷ USD và tiếp tục duy trì con số tương đương trong tháng 2.
“Dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường mới nổi là bằng chứng cho thấy, các quỹ đầu tư đã ưu ái hơn đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu tại khu vực này”, Takafumi Horiuchi, nhà kinh tế tại Mizuho Bank cho biết.
Với việc vốn ngoại được khơi thông, chỉ số chứng khoán tại các thị trường mới nổi khu vực châu Á đã theo xu hướng tăng kể từ đầu năm tới nay. Trong đó, chỉ số Shanghai Composite Index tăng hơn 10%, hồi phục đáng kể so với mức giảm 25% trong năm 2018. Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi cũng tăng 6% so với cùng thời gian năm ngoái.
Các thị trường chứng khoán châu Á trong đà tăng.
Ðáng chú ý, đồng tiền tại các thị trường mới nổi châu Á cũng trong trạng thái vững vàng hơn, nhất là nhân dân tệ, sau khi giảm giá mạnh năm 2018 so với USD.
Paul Kiney, chiến lược gia trưởng lĩnh vực chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Daiwa Capital Markets Hong Kong đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư nên chú trọng hơn tới thị trường chứng khoán khu vực Ðông Nam Á trong tháng 3 này, đặc biệt là Philippines và Indonesia.
Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ động thái của Fed, quá trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng góp cơn gió thuận chiều đối với thị trường tài chính - chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi. Thực tế, trong năm 2018, các thị trường toàn cầu đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc xung đột thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp áp đặt hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Hiện tại, Mỹ đã lùi thời hạn tăng thuế từ 10% lên 20% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ thêm 60 ngày, sau giai đoạn 90 ngày đình chiến để tiến hành thỏa thuận. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy quá trình đàm phán đang có tiến triển tích cực và nhiều khả năng sẽ có kết quả khả quan.
Những diễn biến này cổ vũ tâm lý của giới đầu tư toàn cầu, khiến các yếu tố nền tảng cơ bản tốt của các thị trường mới nổi được chú ý hơn. Bởi vậy, dòng vốn đầu tư được nhận định sẽ tiếp tục quay trở lại với các thị trường mới nổi, nhất là tại châu Á.