Giá dầu hiện đang giao dịch ở mức thấp gần nhất 17 năm qua và đã giảm tới 60% kể từ đầu năm tới nay khi dịch Covid-19 thắt chặt nhu cầu trên toàn cầu, trong khi Ả Rập Xê út bắt đầu cuộc chiến đẩy giá dầu xuống đáy.
Ðối với các nhà xuất khẩu gas và dầu mỏ, ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá dầu lao dốc có thể nhận thấy ngay lập tức. Nhưng với các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ như Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang chứng kiến đồng nội tệ ở mức thấp kỷ lục so với USD, tác động cũng nặng nề không kém.
Châu Âu và trung tâm châu Á
Ðồng ruble (Nga) đã giảm hơn 15% so với USD trong tháng 3, trong khi trái phiếu phát hành bằng đồng tiền này đang có màn biểu diễn tệ thứ 3 trong số 25 thị trường mới nổi được theo dõi tại chỉ số Bloomberg Barclays.
Mặc dù vậy, Chính phủ Nga tỏ ra rất bình tĩnh và không có ý định nối lại mối quan hệ với Ả Rập Xê út về câu chuyện cắt giảm sản lượng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định thả nổi hoàn toàn đồng ruble vào cuối năm 2014, giúp quốc gia này có vị thế tốt hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác, bởi quỹ dự trữ quốc gia không cần can thiệp nhằm giữ vững tỷ giá ruble với USD.
Trong khi đó, Kazakhstan - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất khu vực trung tâm châu Á, trong tuần trước cho biết sẽ ngừng việc can thiệp nhằm kìm hãm đà giảm giá của đồng tenge so với USD. Ðồng tiền này đã mất giá khoảng 13% kể từ đầu năm 2020 tới nay và vẫn duy trì xu hướng giảm.
Trung Ðông
Ngoại trừ Oman, việc neo giữ tiền tệ của 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hiện vẫn ổn định.
Giá của các hợp đồng tương lai đồng riyal (Ả Rập Xê út), được xem là biện pháp bảo hiểm với biến động của đồng tiền này, đã giảm xuống trong tuần qua.
Ngay cả ở thời điểm 9/3, khi giá dầu lao dốc đột ngột, giá của hợp đồng tương lai vẫn còn cách xa đỉnh gần nhất vào năm 2016. Ðồng tiền của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait và Baharain có diễn biến tương tự.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy áp lực đối với tiền tệ tại khu vực ngày càng lớn. Giá dầu đứng ở mức 30 USD/thùng đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách của nhóm GCC sẽ tăng lên mức 14% GDP toàn khu vực trong năm nay, tương đương 228 tỷ USD, theo nghiên cứu của Ehsan Khoman, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu khu vực Trung Ðông của MUFG Bank.
Chưa kể, việc các đồng tiền GCC đứng yên, trong khi đồng tiền nhiều khu vực giảm giá mạnh so với USD cũng khiến giá cả hàng hoá tại đây trở nên đắt đỏ hơn.
Ðối với Iran, việc giá dầu giảm khiến tình hình trầm trọng khi quốc gia này đang chịu các lệnh cấm lệnh từ Mỹ, cũng như dịch Covid-19 đang hoành hành mạnh nhất tại đây so với khu vực Trung Ðông. Ðồng rial đã giảm giá 30% so với USD kể từ tháng 10/2019 tới nay.
Châu Phi, Mỹ Latinh
Nigeria - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Á, vừa cho biết chưa có kế hoạch hạ giá đồng naira và sẽ tiến hành điều tra mọi hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới thị trường tiền tệ.
Ðồng naira đang trải qua thời kỳ khủng hoảng tương tự như năm 2014, buộc quốc gia này phải cố gắng kiềm chế đà giảm giá của đồng nội tệ và thắt chặt kiểm soát tiền tệ.
Quỹ dự trữ ngoại tệ của Nigeria đã giảm 20% kể từ tháng 7/2019 tới nay và naira là đồng tiền đang bị định giá ở mức cao nhất trong những đồng tiền của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn bởi sự can thiệp từ chính quyền. Mexico và Colombia cũng đang khốn đốn vì đồng tiền mất giá trong tháng này.
Các nhà nhập khẩu
Dù giá dầu xuống dốc, nhưng các nhà nhập khẩu dầu mỏ cũng không lấy làm vui. Ðồng rand của Nam Phi đã giảm giá 18% trong năm nay, trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút hơn 4 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu tại đây. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lira đã giảm 5% kể từ đầu tháng 3 tới nay, đà giảm nhẹ chủ yếu bởi ngân hàng trung ương tại đây đang cố duy trì tỷ giá.
Giá trị của USD là một phần khiến Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Giai đoạn 1944-1971, USD được gắn với bản vị vàng và từ năm 1971 tới nay được định giá bởi dầu mỏ (bản vị dầu mỏ - petrodollar), nên hầu như chỉ được dùng USD để mua dầu mỏ và các quốc gia đều cần USD để tiến hành các giao dịch thương mại quốc tế.