Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Covid-19 “khắc” những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Ðể đối phó với với tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 0,5%/năm, mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính nợ dưới chuẩn năm 2008. Ðộng thái của Fed đã mở màn cho giai đoạn đại biến động của thị trường tài chính toàn cầu.

Chỉ số VN-Index của Việt Nam đã giảm 14,08% kể từ đầu tuần này, từ mốc 891,44 điểm về 765,95 điểm chỉ trong 4 phiên giao dịch, với thanh khoản từ 298 - 318 triệu cổ phiếu/phiên so với trung bình 213 triệu cổ phiếu/phiên. Như vậy, có thể thấy lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng.

Covid-19 “khắc” những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu ảnh 1

Chứng khoán Mỹ lên xuống với biên độ lớn kể từ ngày 24/2/2020, đặc biệt tới phiên 9/3 đã giảm 2.013.76 điểm, tức 7,79%, phiên giao dịch phải tạm dừng 15 phút để nhà đầu tư bình tĩnh trở lại trước sự bùng phát của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, giá dầu lao dốc mạnh do bất đồng quan điểm giữa OPEC và thành viên.

Covid-19 “khắc” những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu ảnh 2

Trong các phiên sau đó, ngày 10 và 11/3, chỉ số Dow Jones biến động mạnh trên 1.000 điểm/phiên, lần lượt tăng 1.167,16 điểm, và giảm 1.464.96 điểm - điều chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Giá dầu Brent có phiên giao dịch ngày 9/3 bất ngờ giảm mạnh tới gần 30% trong phiên, cuối phiên giảm hơn 26%.

Ðây là mức giá giao dịch thấp nhất trong 4 năm qua và là phiên biến động mạnh nhất kể từ năm 1991 khi trái với kỳ vọng cắt giảm sản lượng thì Ả Rập Saudi lại tuyên bố có thể tăng sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày.

Nỗi lo suy giảm đà tăng trưởng kinh tế chưa lắng xuống thì nỗi lo dư cung lại tăng lên, kết hợp nỗi lo sợ dịch bệnh đã càng làm khuếch đại nên nỗi sợ hãi đối với nhà đầu tư.

Khi mọi người đều sợ hãi và tâm lý bán tháo tràn lan khắp các thị trường tài chính thì các kênh trú ẩn an toàn lại một lần nữa thu hút dòng tiền và tạo nên những con số không tưởng. Ðầu tiên, trên thị trường trái phiếu, lợi tức trái phiếu kỳ hạn ngắn và dài đều giảm.

Ðặc biệt, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống dưới 1%/năm, điều chưa từng xảy ra trong quá khứ và hiện chỉ giao dịch ở vùng 0,644%/năm. Kể từ đầu năm tới nay, lợi tức trái phiếu Mỹ đã giảm tới 64,12%.

Nếu dịch bệnh không sớm có diễn biến tích cực hơn, giúp khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư, họ sẽ vẫn tiếp tục lựa chọn kênh trái phiếu.

Ðiều này về trung hạn sẽ làm cho dòng tiền vào thị trường cổ phiếu tiếp tục suy giảm.

Một kênh trú ẩn tiếp theo được giới đầu tư lựa chọn là vàng. Với mức giá đang giao dịch 1.660 USD/ounce, giá vàng đã tăng 9,6% so với đầu năm và tăng 30% kể từ đáy tháng 5/2019 tới nay.

Nhật Bản hiện là quốc gia có nền kinh tế ổn định và theo hãng tin Bloomberg dẫn số liệu Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 16/12/2019, hiện nước này đang nắm giữ 1.170 tỷ USD trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành tính tới tháng 10/2019 và trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Những yếu tố này khiến đồng Yên Nhật (JPY) liên tục tăng giá. Nếu như đầu năm nay, 1 USD đổi được 111,9 JPY thì nay tỷ lệ này chỉ còn 103.9, tức JPY lên giá 7,15% so với đầu năm.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tạo ra một giai đoạn biến động khó lường cho giới tài chính, từ biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, châu Á… đến hoạt động trú ẩn vào những tài sản như vàng, trái phiếu hay tiền tệ của các nền kinh tế ổn định và tháo chạy khỏi các quốc gia kém ổn định hơn.

Mặc dù các chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kích cầu như hạ lãi suất, tung gói hỗ trợ, tăng chi tiêu chính phủ… nhằm đối phó với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại.

Tin bài liên quan