Ông Lê Quốc Bình

Ông Lê Quốc Bình

CII: Triển khai chiến lược phát triển bền vững

(ĐTCK) Chỉ trong 2 ngày 28, 29/11/2013, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã liên tiếp công bố thông tin về việc tái cấu trúc nợ, các khoản bảo lãnh và kế hoạch phát hành trái phiếu, với tổng giá trị dự kiến lên tới hơn 5.300 tỷ đồng.

Động thái này cho thấy Công ty đang trong bước tái cấu trúc mạnh mẽ về nguồn vốn để thực hiện chiến lược mới trong đầu tư, khai thác dự án hạ tầng, như thông điệp mà Công ty đã đưa ra từ giữa năm 2013. Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII xung quanh các vấn đề này.

Theo thông tin công bố ngày 28/11/2013, Vietinbank đã thực hiện mua lại gần 3.300 tỷ đồng nợ, bảo lãnh của CII tại các tổ chức tín dụng khác. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Để có thể triển khai chiến lược phát triển bền vững, bên cạnh việc tái cấu trúc hoạt động của Công ty, CII cần có một ngân hàng song hành, cùng CII hỗ trợ công tác huy động vốn. Do vậy, ngày 26/10/2013, CII và Vietinbank đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Chỉ sau 1 tháng kể từ ngày ký kết, CII và Vietinbank đã triển khai hàng loạt công việc cần thiết để chuyển phần lớn các khoản nợ hiện nay của CII về Vietinbank.

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của tất cả các bên, động thái này tuy chỉ là bước khởi đầu, nhưng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác toàn diện của chúng tôi. Nó thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như khẳng định các cam kết của mỗi bên, tuy không phải là ràng buộc pháp lý, nhưng là các cam kết thật lòng, hỗ trợ để cùng nhau phát triển.

Nhân tiện, thay mặt cho Công ty, tôi cũng xin chân thành cám ơn các ngân hàng khác đã nhiệt tình hỗ trợ để CII có thể nhanh chóng triển khai Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietinbank.

 

Việc chuyển nợ này có làm thay đổi lãi suất huy động vốn mà CII đang vay tại đây không thưa ông?

Về cơ bản, các khoản lãi, phí liên quan đến việc chuyển nợ tương đương với các khoản vay cũ. Trong một số trường hợp, lãi suất và phí có phần thấp hơn so với trước đây.

 CII: Triển khai chiến lược phát triển bền vững ảnh 1

Theo kế hoạch, CII sẽ phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) kỳ hạn 5 năm cho Vietinbank, với mức lãi suất khá thấp so với mặt bằng huy động chung của thị trường hiện nay. Theo ông, đâu là lý do để CII có thể phát hành thành công và đạt được mức lãi suất huy động này?

CII là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, do vậy, dòng thu từ các dự án rất ổn định và ít bị chi phối bởi các yếu tố khác của nền kinh tế. Nói cách khác, độ an toàn của các khoản đầu tư được đánh giá khá cao, nên lãi suất trái phiếu thấp phù hợp với thực tế của thị trường trái phiếu.

Lẽ ra, lãi suất trái phiếu có thể thấp hơn, tuy nhiên, nếu bạn nghiên cứu kỹ về phương án phát hành TPDN kỳ này của CII, bạn có thể thấy rằng đây là TPDN không có tài sản đảm bảo (TSĐB) khi phát hành, CII chỉ bổ sung TSĐB từ các tài sản được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu (Tôi nghĩ rằng không nhiều DN hiện nay có thể làm được việc này).

Do vậy, CII chấp nhận lãi suất cao hơn một ít để tương xứng với rủi ro của trái phiếu.

Để có thể phát hành thành công, chúng tôi đã cung cấp khá nhiều tài liệu để Vietinbank thẩm định, bao gồm cả các tài liệu liên quan đến lịch sử đầu tư trong quá khứ, quản trị công ty, danh mục dự án trong tương lai…, các thông tin này giúp CII chứng minh được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong quá khứ và định hướng sinh lợi từ nguồn vốn trái phiếu huy động được, mức sinh lợi tiềm năng có thể cao hơn khá nhiều so với lãi suất trái phiếu phải trả.

Từ đó, góp phần mang lại thành công cho đợt phát hành này.

Phải thừa nhận rằng, Vietinbank rất chuyên nghiệp trong quá trình đánh giá, phân tích thông tin, để từ đó nhanh chóng đi đến thương thảo các hợp đồng có liên quan. Và tôi hoàn toàn tin tưởng việc phát hành sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình mà hai bên đã dự tính (ngày 10/12/2013).

 

Tại sao CII lại thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) cho cổ đông hiện hữu mà không huy động trực tiếp vốn cổ phần, khi Công ty đủ khả năng để làm việc này?

HĐQT đã đánh giá rất kỹ để lựa chọn phương án phát hành thích hợp.

Đặc điểm các dự án đầu tư của CII là thời gian thi công dài, chi phí sử dụng vốn chủ (lợi nhuận của chủ đầu tư) không được ghi nhận trong thời gian thi công; lãi được ghi nhận thấp trong các năm đầu và rất cao trong các năm về sau.

Như vậy, nếu thực hiện phát hành cổ phần tăng vốn thì thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) bị sụt giảm ngay lập tức và cổ tức của cổ đông sẽ bị giảm sút, vì cổ tức được chia trên cơ sở lợi nhuận được ghi nhận trong năm tài chính, không bao gồm lợi nhuận sẽ được ghi nhận cho dù khoản lợi nhuận đó là chắc chắn.

Vì vậy, phát hành TPCĐ là giải pháp tuyệt vời nhất cho CII hiện nay, dựa trên một số lý do. Thứ nhất là không làm giảm EPS. Thứ hai, trái chủ được hưởng trái tức 12%/năm, là mức khá cao vào thời điểm này. Thứ ba là thời hạn chuyển đổi khá linh động, trái chủ có thể hiện thực hoá lợi nhuận khi TTCK có chuyển biến tốt. Cuối cùng là thời hạn chuyển đổi dài, với giá chuyển đổi thấp, nên xác suất để trái chủ thực hiện chuyển đổi là khá cao.

Để đơn giản hơn, bạn có thể thấy rằng, việc gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu của CII trong thời gian tới sẽ song song với gia tăng giá trị tài sản (do giải ngân vốn đầu tư).

 

Với việc huy động vốn mới dự kiến tới trên 2.300 tỷ đồng, ông có thể cho NĐT biết mục đích sử dụng vốn của CII và phương án khả thi của các dự án này?

Chúng tôi đang đệ trình một danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Do vậy, số vốn và giải pháp huy động này chỉ là một phần nhỏ trong các nguồn vốn huy động của CII. Sắp tới, CII phải mở rộng hợp tác đầu tư, tái cấu trúc hoạt động của Công ty và huy động thêm vốn tín dụng thương mại thì mới đủ nguồn vốn để triển khai các dự án. Một điều tất yếu là lợi nhuận thu được hàng năm (IRR) của các dự án phải luôn luôn lớn hơn mức lãi suất huy động thì CII mới đầu tư.

Ngoài ra, có những khoản trái phiếu Công ty đã huy động từ năm 2007 và cũng được đầu tư vào các dự án, nhưng nay, do chủ trương của HĐQT là không thoái vốn sau khi hoàn tất đầu tư, mà để khai thác hết vòng đời dự án, nên việc huy động vốn này cũng đồng thời là để bù đắp nhu cầu vốn của CII cho các khoản trái phiếu nói trên.

 

Cụ thể là CII sẽ tái cấu trúc như thế nào và việc tái cấu trúc này sẽ giúp CII huy động vốn như thế nào?

Từ 2013 đến 2015, CII sẽ tái cấu trúc theo mô hình tách biệt từng mảng đầu tư (xem hình). Chúng tôi kỳ vọng, việc tái cấu trúc này sẽ giúp CII huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư/nhà tài trợ vốn, do mỗi lĩnh vực đầu tư như cầu đường, xử lý nước, bất động sản, xây dựng… sẽ thích hợp với “khẩu vị” của các nhóm nhà đầu tư và/hoặc nhà tài trợ tín dụng khác nhau.

Đây sẽ là tiền đề để CII thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, kinh nghiệm chuyên môn, năng lực và thương hiệu tốt… ở từng mảng, nhằm khai thác thế mạnh, chuyên môn của đối tác, từ đó nâng cao năng lực của CII.

Đối với những nhà đầu tư quan tâm đến toàn bộ mảng này thì có thể lựa chọn đầu tư vào CII Holdings.

 

Ngoài là đối tác huy động vốn, Vietinbank cũng đồng thời nghiên cứu tham gia đầu tư vào CII và Saigon Water. Ông đánh giá thế nào về việc hợp tác với Vietinbank sau 1 tháng qua?

Vượt hơn mong đợi của chúng tôi. Chỉ sau 1 tháng mà chúng tôi đã triển khai được rất nhiều công việc. Nếu chỉ một vài bộ phận sẽ không thể thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ như vừa qua.

Về phía Vietinbank, hàng loạt đơn vị có liên quan như phòng tín dụng, phòng nguồn vốn, bộ phận quản lý quỹ, công ty chứng khoán, bảo hiểm, phòng thẻ… đã cùng nhau hợp lực để thẩm định, giải quyết các vướng mắc.

Về phía CII, chúng tôi đã lập bộ phận thường trực để trao đổi thông tin, sẵn sàng cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án theo yêu cầu để Vietinbank thẩm định. Công việc được bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối khuya là bình thường, với mục tiêu hoàn tất càng sớm càng tốt.

Tất cả những nỗ lực đó đã mang lại kết quả như hôm nay. Chúng tôi tin tưởng sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

>>CII đầu tư sâu vào ngành nước

>>Vietinbank mua 1.200 tỷ đồng trái phiếu của CII