Vốn trái phiếu của CII chủ yếu được rót vào các dự án hạ tầng giao thông và bất động sản
CII cho biết, hiện nay một số nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi do CII phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Trong khi đó, một số cổ đông muốn chuyển nhượng quyền mua số trái phiếu nói trên.
Do đó, để hỗ trợ cổ đông và nhà đầu tư có nhu cầu được kết nối với nhau, CII sẽ thực hiện làm trung gian cho việc chuyển nhượng quyền mua trái phiếu.
CII đã cử 2 nhân viên phụ trách cho việc hỗ trợ các cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng quyền mua trái phiếu.
Giá chuyển nhượng quyền mua là 25 đồng/quyền mua. Trong đó theo cơ chế của đợt phát hành, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần tại ngày đăng ký cuối cùng (1/10/2020) được sở hữu 1 quyền mua.
Thời gian thực hiện chuyển nhượng quyền mua từ ngày 16/10 đến ngày 23/10/2020. Việc chuyển nhượng quyền mua theo đề xuất nói trên sẽ kết thúc khi nhà đầu tư mua đủ số lượng quyền mua mong muốn.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ trái phiếu của Công ty mẹ CII khoảng 6.615 tỷ đồng. Phần lớn sử dụng cho các dự án đầu tư bất động sản và cầu đường của Công ty.
Số dư nợ trái phiếu có kỳ hạn phải trả từ 2 năm trở lên hiện chiếm khoảng 82% tổng dư nợ trái phiếu.
Tổng giá trị mà Công ty mẹ CII đầu tư vào các dự án trọng yếu là 9.424 tỷ đồng. Trong đó, dự án lớn nhất là Dự án BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với 3.776 tỷ đồng.
Tiếp đó là Dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội 2.444 tỷ đồng; Dự án đầu tư vào NBB 1.778 tỷ đồng…
Ngoài ra, một phần vốn đầu tư vào Dự án Bất động sản 152 Điện Biên Phủ, Dự án Bất động sản D’Verano.
Trong thời gian tới CII sẽ tiếp tục phát hành một số đợt trái phiếu khác. Cụ thể, đợt phát hành 800 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu dự kiến sẽ thực hiện ngay trong tháng 10/2020.
Cuối năm 2020, CII tiếp tục thực hiện đợt phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng và 1 đợt phát hành trái phiếu trái phiếu ra công chúng khoán với quy mô 500 tỷ đồng.
Sau 3 đợt phát hành nêu trên, tổng nguồn trái phiếu huy động được ước tính sẽ đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.