Theo Báo cáo tài chính năm 2019 hợp nhất của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco1) vừa được công bố, doanh thu toàn tổng công ty gồm công ty mẹ, 7 đơn vị phụ thuộc, 1 công ty con, 10 công ty liên kết chỉ đạt vỏn vẹn 543 tỷ đồng, giảm gần 1/3 so với năm 2018.
Tại thời điểm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (năm 2014) – dù đã bước qua giai đoạn hoàng kim, doanh thu hợp nhất của Cienco1 vẫn đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Có thể lĩnh vực XDCB hiện đang rất khó khăn nhưng sự sa sút của Cienco1 là rất lớn nếu so với mặt bằng chung của các tổng công ty xây dựng giao thông.
Bên cạnh đó, dù vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 19 tỷ đồng nhưng hầu hết các chỉ tiêu tài chính khác đều đang đi xuống, đặc biệt là tổng tài sản giảm từ 2.879 tỷ đồng (năm 2018) xuống còn 2.641 tỷ đồng (năm 2019).
Trên thực tế, sau khi trúng được gói thầu xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào năm 2012, Cienco1 gần như mất dạng trên thị trường, chỉ còn loay quanh tham gia nộp dự thầu tại một số gói thầu quy mô nhỏ tại một số địa phương. Lực lượng lao động toàn tổng công ty tại thời điểm 31/12/2019 chỉ còn khoảng 470 người, giảm hơn 500 người so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ hao hụt về số lượng, nhiều kỹ sư, thợ lành nghề cầu, đường vốn từng là vốn quý tại doanh nghiệp cũng đã dứt áo ra đi do thu nhập quá thấp, lại liên tục bị nợ kéo dài.
Ngoài thị trường co hẹp, khó khăn của Cienco1 còn đến từ việc Tổng công ty đang bị các chủ đầu tư chậm thanh toán các khối lượng kéo dài lên đến 2.500 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản nợ đọng kéo dài hàng chục năm.
Được biết, Cienco1 là tổng công ty xây dựng giao thông ngành GTVT đầu tiên hoàn tất công tác CPH, nhưng đồng thời cũng chứng kiến nhiều xáo trộn về nhân sự cấp cao cũng như cơ cấu cổ đông.
Cụ thể, vào đầu tháng 11/2019, Cienco1 đã công bố Nghị quyết của Tổng công ty về việc bổ nhiệm ông Đào Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giữ chức Tổng giám đốc Cienco1. Đây đã là lần thứ 4 kể từ khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhân sự tại vị trí tổng giám đốc tại doanh nghiệp từng giữ vị trí số 1 về xây dựng công trình giao thông có sự thay đổi. Riêng trong năm 2019, có tới 4/7 thành viên HĐQT Cienco1 từ nhiệm vì những lý do khác nhau.
Cienco 1 được IPO vào ngày 21/3/2014 với khối lượng chào bán là 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ số cổ phần nêu trên đã được bán hết, thu về hơn 161 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước. Đến thời điểm giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh (nắm 35,58%), trong khi các cán bộ, người lao động trong Cienco1 chỉ chiếm chưa đầy 6%. Cũng từ thời điểm này, các giao dịch mua bán cổ phiếu Cienco1 liên tục diễn ra, với nhiều cái tên mới thay nhau xuất hiện.
Sau quá trình mua bán cổ phần kéo dài gần ba năm, cơ cấu cổ đông của Cienco1 cho tới nay đã ổn định với CTCP Tập đoàn Yên Khánh (đổi tên từ Công ty TNHH SX TM DV Yên Khánh, nắm 28,6%), CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An (19,2%), CTCP Đầu tư Cái Mép (16,9%) và CTCP An Hiền (24,6%). Một số cổ đông nhỏ tại Cienco 1 cho rằng sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kết quả sản xuất, kinh doanh của Cienco1 giảm sút, phần do các cổ đông lớn không đầu tư, hỗ trợ Tổng công ty như cam kết do năng lực tài chính có hạn.